• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
3
2
6
4
0
3
Tin tức sự kiện 14 Tháng Mười Một 2016 8:20:00 SA

Diễn đàn chung Việt Nam – Cộng hòa Liên bang Đức về quản lý nước lưu vực sông của Việt Nam

 





 
Đoàn chủ trì Diễn đàn

 
 
Ngày 11/11, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân và ông Gunther Adler, Quốc vụ khanh Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên, Xây dựng và An toàn hạt nhân Cộng hòa Liên bang Đức chủ trì Diễn đàn chung Việt Nam – Cộng hòa Liên bang Đức về quản lý nước lưu vực sông của Việt Nam. Tham dự Diễn đàn có lãnh đạo Tổng cục Môi trường; các nhà quản lý, nhà khoa học và chuyên gia Cộng hòa Liên bang Đức và Việt Nam.
 

 

Nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường lưu vực sông tại Việt Nam

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, bảo vệ môi trường là vấn đề trọng yếu mang tính toàn cầu và đang trở thành một trong những nội dung quan trọng trong các chính sách và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia. Ở Việt Nam, công tác bảo vệ môi trường, đã được Đảng và Nhà nước xác định là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và là nghĩa vụ của mọi tổ chức, mọi công dân. Trong đó, công tác bảo vệ môi trường các lưu vực sông luôn là vấn đề được Đảng, Chính phủ và nhân dân đặc biệt quan tâm. Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 dành mục I chương VI (từ Điều 52 đến Điều 55) để quy định về bảo vệ môi trường nước lưu vực sông, trong đó có những vấn đề mới về quản lý đã được quy định như việc điều tra, đánh giá sức chịu tải của lưu vực sông, xác định hạn ngạch xả nước thải vào sông.

 

Trong những năm vừa qua, quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại các lưu vực sông diễn ra đặc biệt sôi động, nhất là tại các vùng kinh tế trọng điểm nằm ở khu vực hạ lưu các lưu vực sông lớn hoặc cửa sông ven biển. Tuy nhiên, kèm theo tốc độ phát triển nhanh về kinh tế là các vấn đề ảnh hưởng đến môi trường nói chung và môi trường nước nói riêng.

 

“Chất lượng môi trường nước tại các lưu vực sông đang diễn biến phức tạp, bị suy thoái nhiều nơi, đặc biệt ở các đoạn sông chảy qua các khu vực đô thị, khu công nghiệp, làng nghề. Tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng xảy ra tại 03 lưu vực sông: sông Cầu, sông Nhuệ - sông Đáy và hệ thống sông Đồng Nai. Trong tương lai không xa, nếu không có các giải pháp quyết liệt và phù hợp, các lưu vực sông khác cũng có khả năng trở thành điểm nóng ô nhiễm; gây tác động trực tiếp đến điều kiện sống, sức khỏe nhân dân và ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, vấn đề cấp thiết là phải nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường nước ở mọi cấp, mọi ngành và địa phương.” – Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.

 

 

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu tại Diễn đàn

 

 

Tại Diễn đàn, Thứ trưởng đánh giá cao mối quan hệ truyền thống hợp tác hữu nghị lâu đời giữa Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức, đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, quản lý tài nguyên và môi trường. Thứ trưởng mong muốn các nhà quản lý, các nhà khoa học, chuyên gia của Cộng hòa Liên bang Đức tại diễn đàn lần này sẽ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, làm rõ nguyên nhân, những bất cập đang tồn tại nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường lưu vực sông tại Việt Nam; đồng thời, thảo luận kế hoạch, định hướng nhằm tăng cường hợp tác giữa Cộng hòa Liên bang Đức và Việt Nam trong lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường.

 

“Tôi tin tưởng rằng, với sự quyết tâm cao Đảng, Nhà nước, Chính phủ và chính quyền các cấp cùng sự hợp tác hỗ trợ của bạn bè quốc tế, công tác bảo vệ môi trường lưu vực sông trong thời gian tới sẽ đạt được nhiều tiến bộ nổi bật, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu về kinh tế - xã hội, phát triển bền vững đất nước.” – Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân khẳng định.

 

 

Chia sẻ kinh nghiệm của Đức về các giải pháp quản lý chất lượng nước

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Gunther Adler, Quốc vụ khanh Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên, Xây dựng và An toàn hạt nhân Cộng hòa Liên bang Đức cho biết, nước Đức đã có hơn 30 năm kinh nghiệm về quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn nước của các dòng sông.

 

“Các biện pháp về bảo vệ môi trường đã được thực thi khi có những dòng sông cực kỳ ô nhiễm, những con sông chết về mặt sinh học trong những năm 70 cùng với các sự cố môi trường do ô nhiễm xả thải. Các con sông đã trở thành cống rãnh và không ai có thể nghĩ là sẽ cải thiện tình hình ô nhiễm thời điểm đó. Ngày nay, hầu hết các sông tại Đức đã trong sạch trở lại và có các chỉ tiêu về hoá học, sinh học đạt tiêu chuẩn môi trường. Nhiều loài cá bị tuyệt chủng trước đây đã xuất hiện trở lại và con người lại có thể tiếp tục bơi ở nhiều con sông. Để thực hiện việc này cần có ý tưởng thực hiện, chi phí và cả việc cam kết thực hiện của các bên liên quan.” -  Ông Gunther Adler nói.

 

 

Ông Gunther Adler, Quốc vụ khanh Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên, Xây dựng và An toàn hạt nhân phát biểu tại Diễn đàn

 

Ông Gunther Adler nói thêm: “Việt Nam ngày càng có nhiều vấn đề về chất lượng nước ở sông và biển. Số lượng các sự cố ô nhiễm môi trường gia tăng dường như là cái giá của sự phát triển. Nhưng nếu để tình trạng ô nhiễm càng kéo dài thì chi phí để khắc phục, xử lý càng khó khăn và tốn kém về sau. Tại diễn đàn hợp tác về nước lần này, chúng tôi mong muốn thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm của Đức về các vấn đề và giải pháp trong lĩnh vực quản lý chất lượng nước để giải quyết các vấn đề của Việt Nam. Hội thảo cũng là cơ hội thúc đẩy các trao đổi và hợp tác sau này giữa hai Bộ.”

 

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã được nghe các bài trình bày về quản lý chất lượng môi trường nước sông ở Việt Nam, trong đó có quản lý nước thải công nghiệp tại sông Đồng Nai, quản lý xả thải ở các khu làng nghề sông Cầu, quản lý nước thải sinh hoạt ở sông Nhuệ - Đáy. Đồng thời, các nhà quản lý, nhà khoa học và chuyên gia Cộng hòa Liên bang Đức đã trao đổi, thảo luận với phía Việt Nam về thực tiễn quản lý nước ở cấp Trung ương và địa phương; quản lý tổng hợp lưu vực sông; quản lý các nguồn nước thải; khái niệm về khả năng chịu tải ô nhiễm, khái niệm về hiện trạng chất lượng nước sạch; quy chuẩn môi trường nước; quản lý chất lượng nước và thảo luận kế hoạch hợp tác song phương trong thời gian tới.

 

 

Toàn cảnh Diễn đàn

 

 

Nguồn: CTTĐT

 


Số lượt người xem: 1729    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm