• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
6
5
2
8
9
0
Tin tức sự kiện 18 Tháng Mười 2016 7:40:00 SA

Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh: Cung cấp ngay các tiện ích cho dân

 

 

 

Không đợi đến năm 2020 hay 2025 khi hoàn chỉnh đề án, mà những vấn đề gì có thể ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại mang lại tiện ích cho cuộc sống thường ngày của người dân thì sẽ cung cấp ngay cho dân. Đây là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến khi trao đổi với PV Báo SGGP về các vấn đề đặt ra trong việc xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh.

 

Chủ động ứng phó các vấn đề đô thị

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến 

- PV: Việc TPHCM vừa thông qua kế hoạch xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025 là cơ sở quan trọng để xây dựng đề án đô thị thông minh. Đô thị thông minh TPHCM sẽ tập trung giải quyết những vấn đề gì, thưa đồng chí?

 

>> Đồng chí Trần Vĩnh Tuyến: Đề án Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh là để thực hiện thành công 7 chương trình đột phá mà Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X đã quyết nghị cho giai đoạn 2016 - 2020. Đồng thời, kết quả đề án này gắn với Đề án Chính quyền đô thị của TP. Đề án Đô thị thông minh TPHCM sẽ tập trung vào 3 nội dung lớn, đó là: xây dựng chính quyền điện tử nhằm nâng cao công tác quản lý nhà nước, tăng tính công khai, minh bạch của chính quyền, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; xây dựng trung tâm dữ liệu mở dùng chung cho xã hội và cung cấp các dịch vụ tiện ích cho người dân trong các lĩnh vực, như: quy hoạch thông minh, giáo dục thông minh, y tế thông minh, giao thông thông minh… Bất cứ bài toán nào để giải quyết được phải có dữ liệu đáng tin cậy. Cho nên để có đô thị thông minh thì trước hết phải thu thập dữ liệu. Cũng cần nói thêm, việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu trước nay chúng ta cũng đã làm, tuy nhiên còn phân tán, chưa kết nối với nhau, chưa đặt nó theo xu hướng xây dựng và phát triển đô thị thông minh. Lần này, TPHCM sẽ giao cho một đơn vị có bộ máy, có năng lực chịu trách nhiệm thực hiện. Đây là hệ thống cơ sở dữ liệu mở, dùng chung cho toàn xã hội (trừ những thông tin mật, an ninh quốc gia), không như trước đây dữ liệu chỉ phục vụ cho hoạt động của cơ quan công quyền, quản lý nhà nước.

 

- Đồng chí nghĩ thế nào khi có ý kiến cho rằng, TPHCM còn mùi hôi, ngập nước, kẹt xe… thì không thể nào “thông minh” được?

 

Đối với một đô thị đặc biệt có dân số đông như TPHCM, cùng với quá trình đô thị hóa nhanh thì luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về hạ tầng, môi trường, dân số cũng như các vấn đề xã hội khác… Việc ra quyết định về một vấn đề gì, nhất là vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân cũng ngày càng phức tạp hơn, trong khi đòi hỏi phải kịp thời, chủ động, hiệu quả, phải đúng, trúng và có tính dự báo cao. Thời gian qua, có những vấn đề chúng ta giải quyết chưa mang tính khoa học cao, chưa chủ động, thậm chí còn chạy theo vụ việc… thì sắp tới đây, các giải pháp về công nghệ của đô thị thông minh sẽ giúp TP chủ động ứng phó, giải quyết các vấn đề đặt ra một cách khoa học, dựa trên hệ thống cơ sở dữ liệu của TP. Hệ thống dữ liệu này luôn được cập nhật mới. Tôi có thể đơn cử như vấn đề ngập nước hiện nay - một trong những bức xúc lớn của TP, bằng các thiết bị hiện đại, khi mưa xuống, các cơ quan chức năng có thể thu thập dữ liệu về lượng mưa, đo đạc được khu vực nào ngập nặng… và truyền dữ liệu về. Từ đó, các cơ quan chuyên môn, nhà khoa học sẽ cùng phân tích, đánh giá, xây dựng các kịch bản ứng phó, kịch bản nào tương ứng với giải pháp nào, trên cơ sở đó lãnh đạo TP sẽ chọn được giải pháp chống ngập nào tối ưu nhất hoặc trước mắt cũng có thể dự báo tình hình cho người dân. Tương tự, các lĩnh vực giao thông, quy hoạch… của thành phố sau này khi thực hiện từ bước đề án cũng sẽ dựa trên hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành. Như vậy, đô thị thông minh sẽ giúp TPHCM chủ động ứng phó, giải quyết khoa học các vấn đề đặt ra của TP.

 

Kiên trì thực hiện

 

- “Đặt người dân vào vị trí trung tâm” là mục tiêu mà kế hoạch xây dựng đề án đô thị thông minh xác định. Vai trò của người dân ở đây được hiểu như thế nào, thưa đồng chí?

 

Mục tiêu cơ bản của TP thông minh là nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp cho người dân và quản lý hiệu quả đô thị, từ đó làm nền tảng cho phát triển bền vững về kinh tế - xã hội, môi trường… Như vậy, người dân chính là đối tượng trực tiếp thụ hưởng các dịch vụ công tiện ích từ mô mình quản lý đô thị hiện đại này. Qua đó có thể thấy người dân cũng sẽ góp phần xây dựng, phát triển dịch vụ, thông qua việc sử dụng, phản hồi thông tin cho dịch vụ đó. Người dân còn cung cấp thông tin cũng như tham gia giám sát hoạt động của chính quyền với mô hình quản lý công khai, minh bạch. Người dân sẽ tham gia đóng góp ý kiến, phản biện, hiến kế giải pháp ngay từ bước đầu xây dựng đề án...

 

- Với dân số khoảng 10 triệu người, chưa kể 3 triệu khách vãng lai - bằng số dân của nhiều nước không nhỏ trên thế giới, lại là địa phương đầu tiên của cả nước xây dựng đô thị thông minh, TPHCM đã tiên liệu được hết khó khăn, thuận lợi khi xây dựng đô thị thông minh?

 

Chủ trương xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh được Ban thường vụ Thành ủy TPHCM thông qua thể hiện ý chí của cả hệ thống chính trị, khát vọng của nhân dân TP, được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ. Thuận lợi cơ bản khi TPHCM là địa phương đi đầu cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin, cùng với nguồn nhân lực dồi dào. Mô hình đô thị thông minh đã được thực hiện ở rất nhiều quốc gia trên thế giới nên chúng ta không lo về kinh nghiệm… Trong năm qua đã có rất nhiều nước quan tâm muốn giúp TP xây dựng đô thị thông minh. Nguồn kinh phí cũng không phải là vấn đề khó, ngoài ngân sách chúng ta còn có thể huy động nhiều nguồn như đối ứng, nguồn viện trợ… Tuy nhiên, cái khó của việc xây dựng đô thị thông minh là không phải một ngày một bữa khi các vấn đề mới luôn liên tục đặt ra, công nghệ luôn thay đổi, phát triển và nhu cầu người dân luôn đòi hỏi cao hơn... Đề án xây dựng yêu cầu phải khả thi với bước đi thích hợp. Do vậy, đòi hỏi đội ngũ lãnh đạo qua các thời kỳ phải quyết tâm thống nhất kiên trì thực hiện mới đạt kết quả. Tất cả những vấn đề này phụ thuộc vào ý chí chủ quan của chúng ta. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện TP cũng sẽ gặp phải những quy định ngoài thẩm quyền nên đòi hỏi cũng phải kiên trì đeo bám, giải thích, kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết.

 

- Xin cảm ơn đồng chí!

 

 

* Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến: "Không có điểm dừng trong việc xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh. Bởi lẽ, khoa học công nghệ liên tục đổi mới và nhu cầu của người dân mỗi ngày một nâng cao. Do đó, việc xây dựng đô thị thông minh cho TPHCM sẽ liên tục được phát triển"

 

 

 

Nguồn: Báo SGGPO


Số lượt người xem: 1696    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm