• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
3
2
5
3
8
5
Thông tin tổng hợp trong lĩnh vực môi trường 04 Tháng Bảy 2018 8:15:00 SA

Tổng kiểm tra bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu

 

 





Lực lượng Cảnh sát môi trường phối hợp với Hải quan phát hiện và xử lý các trường hợp nhập rác thải tại Cảng (Ảnh MH)

 
Tổng cục Môi trường đang tiến hành tổng kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu, đồng thời, tiến hành rà soát lại các văn bản pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Từ đó, đưa ra những giải pháp nhằm ngăn chặn dòng rác, phế liệu đang tràn vào Việt Nam.
 

Trao đổi với ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng Cục  trưởng Tổng cục Môi trường được biết, tại Việt Nam, những năm gần đây, nhu cầu nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu có xu hướng gia tăng mạnh. Tổng số các doanh nghiệp nhập khẩu và sử dụng phế liệu trên cả nước là 256 doanh nghiệp. Trong đó, lượng doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu để trực tiếp phục vụ sản xuất là 153 doanh nghiệp (chiếm 59,76% tổng số doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu), số lượng doanh nghiệp nhập khẩu ủy thác là 103 doanh nghiệp (chiếm khoảng 40,24%).

Thông qua việc nhập khẩu phế liệu này, nhiều mặt hàng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như: Máy móc, thiết bị lạc hậu cũ, hỏng, linh kiện điện tử có chứa chất thải nguy hại… đã bị nhập khẩu trái phép vào Việt Nam. Do việc nhập khẩu các loại phế liệu này thường đem lại lợi nhuận cao, nên các doanh nghiệp tìm mọi cách để lách luật, dùng những thủ đoạn tinh vi nhằm qua mặt các lực lượng chức năng, thậm chí, cố tình vi phạm luật.

Ông Hoàng Văn Thức

* Phải chăng chính sách pháp luật của Việt Nam còn nhiều lỗ hổng nên mới xảy ra tình trạng trên, thưa ông?

Ông Hoàng Văn Thức: - Hiện nay, rất nhiều nước trên thế giới cũng cho phép nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Đối với Việt Nam, ở trình độ phát triển hiện tại, vẫn cần phế liệu nhựa, giấy để tái chế, phục vụ hoạt động sản xuất (và cũng là cách để tái sử dụng nguồn nguyên liệu này). Tuy vậy, đây là mặt hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng xấu đến môi trường sống nên Bộ TN&MT đã ban thành Thông tư 41/2015/TT-BTNMT quy định việc nhập khẩu phế liệu phải đáp ứng các điều kiện, yêu cầu về bảo vệ môi trường cùng với đó là hệ thống các Quy chuẩn kỹ thuật về môi trường đối với phế liệu nhập khẩu.

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu. Nội dung quản lý về BVMT trong NKPL được quy định tại Chương VIII với 9 điều gồm: Đối tượng được phép NKPL từ nước ngoài vào Việt Nam; Điều kiện về BVMT trong NKPL; Mục đích và phương thức ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu...

Để siết chặt việc việc nhập khẩu phế liệu, Việt Nam cũng đã sửa đổi, ban hành nhiều văn bản luật. Đơn cử như Bộ luật Hình sự 2015, có hiệu lực từ 1/7/2016 đã quy định chi tiết hơn về tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam. Cụ thể, người nào đưa chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm từ 1.000 kg đến 3.000 kg vào lãnh thổ Việt Nam hoặc đưa chất thải khác từ 70.000 kg đến dưới 170.000 kg sẽ bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Các tổ chức đưa chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy có khối lượng từ 3.000 kg đến dưới 5.000 kg, chất thải khác có khối lượng từ 170.000 kg đến dưới 300.000 kg. Sẽ bị phạt từ từ 1.000.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm…

Đây là khung pháp lý để hạn chế nhập khẩu phế liệu nguy hại vào Việt Nam. Tuy vậy, chính sách chung vẫn có kẽ hở như chưa có hoàn toàn chưa có bất kỳ cơ chế nào ràng buộc trách nhiệm về chất lượng hàng hóa với đơn vị chuyên chở. Đó là lý do, khi hàng về cảng, doanh nghiệp nhập khẩu từ bỏ nhận hàng vì nhiều lý do (như làm ăn thua lỗ, nợ thuế, bị tạm dừng làm thủ tục hải quan hoặc “bỏ của chạy lấy người” do có nguy cơ khởi tố hình sự...), cơ quan Hải quan hay đơn vị kinh doanh cảng không thể làm gì với hãng tàu. Vì vậy, vẫn cần một chế tài xử phạt với hãng tàu khi chuyên chở hàng hóa là rác thải mà không có tên người gửi hoặc hàng về cảng không có người nhận. Có như vậy, hãng tàu mới có trách nhiệm xác minh, kiểm tra hàng hóa nhận chuyên chở, tức làm bộ lọc đầu tiên.

* Thưa ông, trước tình trạng nhiều container hàng phế liệu nhập khẩu ùn ứ có thể gây ô nhiễm môi trường, các cơ quan chức năng nói chung và Tổng cục Môi trường nói riêng đã có những động thái gì để giải quyết?

Ông Hoàng Văn Thức: - Ngay sau khi có thông tin phản ánh về việc hàng ngàn container rác, phế liệu đang tồn đọng ở các cảng biển của Việt Nam, Tổng cục Môi trường giao cho Cục Môi trường miền Nam và Cục Môi trường miền Bắc xem khảo sát nắm tình hình. Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cũng đã chỉ đạo Tổng cục Môi trường thành lập Đoàn kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu. Thực hiện chỉ đạo, Tổng cục Môi trường đã phối hợp với Tổng cục Hải quan đã tổ chức tổng kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các cảng biển của TP. Hồ Chí Minh và Hải Phòng, đây là 2 địa bàn trọng điểm, đang có tồn đọng về phế liệu nhập khẩu.

Dự kiến, công tác kiểm tra sẽ diễn ra trong vòng 10 ngày, khi có kết quả Tổng cục Môi trường sẽ tổng hợp báo cáo Bộ trưởng để Bộ trưởng báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất cũng như đề xuất các giải pháp tổng thể để chặn đứng tình trạng nhập khẩu ồ ạt này.

Đối với xử lý nhập khẩu hàng hóa quá hạn, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất quy trình để xử lý là đưa vào lư kho sau đó báo cáo với Thủ tướng để thanh lý và tiêu hủy.  Mới đây, để xử lý số hàng tồn đọng tại các cảng, Tổng cục Hải quan đã ra văn bản hướng  dẫn cục hải quan các tỉnh, thành phố xử lý hàng hóa là phế liệu tồn đọng. Chi cục Hải quan nơi có hàng tồn đọng chủ trì phân loại theo chủng loại, số lượng, khối lượng, thành phần, tính chất hàng hóa, phế liệu. Trên cơ sở các container hàng hóa phế liệu tồn đọng đã được phân loại, Hội đồng Xử lý hàng tồn đọng lập, phê duyệt phương án xử lý theo hướng bán hàng hóa tồn đọng theo quy định tại Nghị định 29/2018/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản xác lập sở hữu toàn dân. Cục Hải quan các tỉnh, thành phố lập danh sách thống kê, báo cáo Tổng cục Hải quan số lượng hàng hóa tồn đọng, chủng loại để có cơ sở phối hợp với Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tiến hành phân loại, xây dựng hồ sơ đăng ký thẩm định năng lực xử lý hàng hóa, phế liệu tồn đọng, tiếp nhận hồ sơ và đánh giá năng lực của những cơ sở tham gia đấu thầu thu mua để xử lý, tái chế.

Trước đó, Tổng cục Môi trường cũng thường xuyên phối hợp với Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính kiểm tra việc nhập khẩu phế liệu. Qua kiểm tra, chưa phát hiện tình trạng nhập khẩu rác thải nguy hại nhưng có tình trạng gian lận thương mại, nhiều chủ hàng lợi dụng làm giả mạo giấy phép nhập khẩu và nhập khẩu phế liệu không đúng quy chuẩn kỹ thuật môi trường cho phép. Các cơ quan chức năng cũng đã mạnh tay xử lý với những trường hợp vi phạm.

Mới đây, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực I (Cục Hải quan Hải Phòng) đã yêu cầu với Cty TNHH Deltachems Tuấn Sinh (Hải Phòng) phải tái xuất lô hàng phế liệu nhựa không đạt chuẩn ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Tổng cục Môi trường đã phối hợp với các ngành chức năng xử  phạt hành chính và tước quyền sử dụng giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất 9 tháng đối với Công ty CP thép Pomina 2 do Công ty này nhập khẩu sắt phế liệu có chứa tạp chất đi kèm với phế liệu vượt quá 1% tỷ lệ cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.

* Tới đây, Tổng cục Môi trường có biện pháp gì để chặn đứng dòng rác thải này để tránh nguy cơ Việt Nam trở thành bãi rác công nghiệp của thế giới, thưa ông?

Ông Hoàng Văn Thức: - Giải pháp tổng thể là tập trung rà soát lại các văn bản pháp luật như: Thông tư 41/2015/TT-BTNMT về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất bảo vệ môi trường, quy chuẩn kỹ thuật môi trường nhóm phế liệu về sản xuất. Đồng thời, rà soát lại toàn bộ danh mục nhập khẩu phế liệu để có lộ trình hợp lý.

Theo Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu, có 36 mã số hàng hóa chủ yếu là phế liệu nhựa, thép, giấy được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất. Bao gồm: Thạch cao, Xỉ hạt nhỏ (xỉ cát) từ công nghiệp luyện sắt hoặc thép; các nguyên tố hóa học đã được kích tạp dùng trong điện tử, ở dạng đĩa, tấm mỏng, hoặc các dạng tương tự; phế liệu và mẩu vụn của plastic (nhựa) từ polyme etylen (PE): Dạng xốp, không cứng…

Thời gian tới, sau khi rà soát và đối chiếu với tình hình thực tế, Tổng cục Môi trường sẽ báo cáo Bộ trưởng để kiến nghị Thủ tướng xem xét, điều chỉnh và tiến tới cấm một số mã hàng như: Mã hàng phế liệu nhựa khác, giấy không phân loại. Đây là 2 nhóm hàng có nguy cơ gây ô nhiễm. Đồng thời, có một số phế liệu trong nước chúng ta đang dư thừa, khuyến cáo các doanh nghiệp tái chế sử dụng trong nước như: Xỉ cát, thạch cao ở các nhà máy nhiệt điện than…

Tổng cục Môi trường sẽ nghiên cứu báo cáo Bộ trưởng để trình Thủ tướng xem xét điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu theo hướng khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu sản để sản xuất (tức là phế liệu được biến thành sản phẩm), hạn chế doanh nghiệp chỉ nhập về để sơ chế rồi bán thành phẩm.

Đồng thời, Bộ TN&MT, Tổng cục Môi trường sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường thanh kiểm tra việc bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu, xử lý nghiêm minh những doanh nghiệp vi phạm. Tăng cường giáo dục nâng cao ý thức sử dụng nguồn phế liệu trong nước của người dân, qua đó, hạn chế phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài.

* Trân trọng cảm ơn ông!

 

Nguồn: Website Bộ TN&MT

 


Số lượt người xem: 1710    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm