• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
7
1
5
7
5
5
Thông tin tổng hợp trong lĩnh vực đất đai 21 Tháng Mười Một 2016 4:20:00 CH

Xây dựng Luật Đo đạc và Bản đồ - tạo hành lang pháp lý vững chắc trong việc thực thi pháp luật và thống nhất quản lý nhà nước về đo đạc bản đồ

 



 
Đây là nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã, đang và sẽ triển khai trong thời gian tới, làm căn cứ đổi mới hoạt động đo đạc và bản đồ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn hội nhập quốc tế; đồng thời, tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các tổ chức về hoạt động đo đạc và bản đồ.
 

Ngành đo đạc và bản đồ góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước 

Trong suốt quá trình phát triển, ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đã đạt được những thành quả quan trọng, phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, cung cấp hệ thống các kết quả, sản phẩm đo đạc và bản đồ cơ bản quốc gia có giá trị như hệ quy chiếu, hệ toạ độ và độ cao quốc gia, hệ thống bản đồ địa hình quốc gia ở nhiều tỷ lệ phủ trùm cả nước hoặc vùng lãnh thổ trên cả đất liền và đáy biển, hệ thống bản đồ địa chính chính quy phục vụ quản lý đất đai... Kết quả, sản phẩm đo đạc và bản đồ cơ bản làm cơ sở để phát triển các sản phẩm đo đạc và bản đồ chuyên ngành đáp ứng trực tiếp nhiệm vụ quản lý của các bộ, ngành, địa phương, nâng cao dân trí, tiến bộ xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và nhiều mục tiêu cộng đồng khác.

 

 

Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 33/2008/QĐ-TTg ngày 27/2/2008 đã khẳng định: “Đo đạc và bản đồ là hoạt động điều tra cơ bản phải được đi trước một bước nhằm bảo đảm hạ tầng thông tin địa lý cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, quản lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường trong nước, đáp ứng nhu cầu tham gia hợp tác để giải quyết các bài toán toàn cầu và khu vực về nghiên cứu khoa học trái đất, về giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam”.

 

 

Sản phẩm của ngành đo đạc và bản đồ chủ yếu là thông tin, dữ liệu không gian địa lý. Các sản phẩm đo đạc và bản đồ cần thiết cho nhiều đối tượng khác nhau, bao gồm cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội. Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, nêu rõ quan điểm của Đảng là đầu tư cho công nghệ thông tin là đầu tư cho phát triển và bảo vệ đất nước và xác định một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là xây dựng hệ thống hạ tầng thông tin quốc gia đồng bộ, hiện đại, bảo đảm khả năng tiếp cận và sử dụng cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân; tăng cường kết nối, tích hợp, trao đổi thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan Đảng và Nhà nước; đặc biệt là cung cấp dữ liệu không gian địa lý phục vụ Chính phủ điện tử... Các quan điểm, đường lối trên của Đảng và Nhà nước cần phải được thể chế hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật nhằm xây dựng, phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia đồng bộ, hiện đại với thành phần cốt lõi là thông tin, dữ liệu đo đạc và bản đồ.

 

 

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ đã ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý và triển khai các hoạt động đo đạc và bản đồ trên phạm vi cả nước, gồm 02 Nghị định, 03 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và khoảng 80 văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng. Đặc biệt, ngày 06/5/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2015/NĐ-CP về hoạt động đo đạc và bản đồ (thay thế Nghị định số 12/2002/NĐ-CP ngày 22/01/2002 của Chính phủ về hoạt động đo đạc và bản đồ). Đây là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất điều chỉnh chung đối với hoạt động đo đạc và bản đồ, đặc biệt là hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản.

 

 

Các văn bản quy phạm pháp luật về đo đạc và bản đồ được ban hành trong thời gian qua đã bước đầu đáp ứng được công tác quản lý nhà nước cũng như việc thực thi pháp luật về đo đạc và bản đồ. Trong những năm qua, việc áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật này đã mang lại những hiệu quả nhất định trong phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và một số mục tiêu quan trọng khác.

 

 

Còn nhiều bất cập, tồn tại, hạn chế trong hoạt động đo đạc và bản đồ


Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước và tổ chức triển khai hoạt động đo đạc và bản đồ còn một số vấn đề tồn tại, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra của giai đoạn phát triển và hội nhập quốc tế, như: hoạt động đo đạc còn chồng chéo, lãng phí; việc quản lý, cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc bản đồ còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu chia sẻ, sử dụng chung; công tác quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành chưa đầy đủ, thống nhất; việc phân cấp giữa Trung ương và địa phương chưa phù hợp; công tác quản lý xuất bản phẩm bản đồ chưa chặt chẽ; công tác xã hội hóa hoạt động đo đạc và bản đồ còn hạn chế...

 

 

Những hạn chế trên đây do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nguyên nhân quan trọng nhất là không có sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật về đo đạc và bản đồ, cụ thể: Hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản là việc xây dựng, quản lý, vận hành công trình hạ tầng đo đạc; thành lập các sản phẩm đo đạc và bản đồ đáp ứng nhu cầu sử dụng chung cho các ngành, địa phương và cộng đồng. Đây là hoạt động làm cơ sở, nền tảng cho các hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành, các hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành phải căn cứ vào các hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản thì mới triển khai xây dựng được đo đạc bản đồ chuyên ngành. Tuy nhiên, cơ sở pháp lý cho việc quản lý, tổ chức triển khai hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản mới chỉ được quy định tại Nghị định số 45/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Trong khi đó, hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành đang được điều chỉnh bởi các luật chuyên ngành như: Luật đất đai, Luật xây dựng, Luật biển Việt Nam, Luật xuất bản... Điều đó dẫn đến sự thiếu thống nhất, đồng bộ trong việc quản lý nhà nước đối với các hoạt động đo đạc và bản đồ.

 

 

Hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành được thực hiện bởi các luật chuyên ngành, nên nhiều dự án, nhiệm vụ về đo đạc và bản đồ chưa được quản lý thống nhất; cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong xây dựng, quản lý kế hoạch, triển khai dự án liên quan tới đo đạc và bản đồ còn hạn chế, dẫn đến tình trạng trên cùng một khu vực, có thể có nhiều đơn vị tiến hành khảo sát, đo đạc, xây dựng cơ sở dữ liệu địa lý, thành lập bản đồ; các sản phẩm, thông tin, dữ liệu đo đạc và bản đồ hiện nay được lưu giữ và quản lý phân tán ở nhiều cơ quan. Sản phẩm cuối cùng không được giao nộp theo quy định để tích họp, quản lý thống nhất, đặc biệt việc quản lý dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ chuyên ngành như bản đồ công trình ngầm, hải đồ còn phân tán, khó tiếp cận,... Do đó, khó thực hiện được việc chia sẻ, dùng chung thông tin, dữ liệu nên chưa hạn chế được triệt để tình trạng đo đạc chồng chéo gây lãng phí thời gian và kinh phí.

 

 

Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, hiện nay xuất hiện nhiều sản phẩm đo đạc và bản đồ phục vụ xã hội như bản đồ dẫn đường điện tử, bản đồ mạng... được phát triển trên dữ liệu nền thông tin địa lý. Bản đồ điện tử phát triển rất mạnh mẽ, được truyền bá, đăng tải trên internet hoặc xuất bản bán ra thị trường nhưng nhà nước chưa xây dựng được chính sách quản lý hữu hiệu đối với dạng sản phẩm này; do đó, chất lượng, tính chính xác, tính trung thực và tính đầy đủ về thông tin của sản phẩm, đặc biệt đối với các ấn phẩm mang tính nhạy cảm, liên quan đến chủ quyền lãnh thổ quốc gia chưa có sự kiểm soát của Nhà nước. Việc thương mại hóa thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ vẫn diễn ra trên thực tế và ngày càng phát triển, trong khi Nhà nước chưa có chính sách để quản lý hữu hiệu.

 

 

Mặc dù nhà nước đã có chính sách xã hội hóa hoạt động đo đạc và bản đồ nhưng chưa có cơ chế rõ ràng để thúc đẩy phát triển. Hầu hết các doanh nghiệp tư nhân hoạt động đo đạc và bản đồ còn nhỏ, năng lực chuyên môn thấp, đầu tư cho hoạt động đo đạc và bản đồ còn rất hạn chế. Việc quản lý năng lực của cá nhân hành nghề đo đạc và bản đồ chưa được triển khai, mặc dù đây là yêu cầu và điều kiện cần thiết trong hoạt động đo đạc và bản đồ và tham gia hội nhập khu vực và quốc tế, đặc biệt là việc thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về Thoả thuận khung ASEAN thừa nhận lẫn nhau về trình độ đo đạc.

 

 

Trong bối cảnh tình hình an ninh, quốc phòng khu vực cũng như trên thế giới hiện nay có nhiều phức tạp, đồng thời để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ, việc sửa đổi và nâng tầm pháp lý của văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ hiện hành, bổ sung các quy định còn thiếu để xây dựng và ban hành Luật Đo đạc và Bản đồ là yêu cầu cấp bách và thực tiễn khách quan.

 

 

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn hội nhập quốc tế

 


Thực hiện Nghị quyết số 20/2011/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2011 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII (2011-2016), Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng dự án Luật đo đạc và bản đồ. Ngày 11/8/2015, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký ban hành Quyết định số 2016/QĐ-BTNMT thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật Đo đạc và Bản đồ với sự tham gia của Văn phòng Chính phủ và các Bộ: Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Tư pháp, Nội vụ, Tài chính, Công an, Quốc phòng, Thông tin và Truyền thông, Xây dựng, Giao thông vận tải, Ngoại giao, Thanh tra Chính phủ và một số chuyên gia, nhà khoa học...

 

 

Bộ TN&MT đã tổ chức rà soát các luật có liên quan, đồng thời tiến hành đánh giá, tổng kết quá trình thực hiện Nghị định số 12/2002/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2002, Nghị định số 45/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về hoạt động đo đạc và bản đồ, nghiên cứu một số luật về đo đạc và bản đồ của một số nước trên thế giới như: Nga, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Malayxia, Ba Lan, Ôxtrâylia, Litva... để đề xuất các nội dung quy định phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tiến bộ của khoa học - công nghệ và hội nhập quốc tế trong hoạt động đo đạc và bản đồ.

 

 

Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật, Bộ TN&MT đã tổ chức các cuộc họp, hội thảo. Ngày 20/6/2016, dự thảo Luật đã được gửi lấy ý kiến góp ý của 17 bộ, cơ quan ngang bộ, 63 ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Trắc địa - Bản đồ - Viễn thám Việt Nam. Đồng thời, dự thảo Luật cũng được đăng trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường để lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

 

 

Đến nay, Dự thảo Luật Đo đạc và Bản đồ lần thứ 3 đã hoàn thành. Theo Dự thảo Luật, Luật Đo đạc và Bản đồ quy định về hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản, đo đạc và bản đồ chuyên ngành; hạ tầng dữ liệu không gian địa lý; điều kiện hoạt động đo đạc và bản đồ; quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ và được thể hiện trong 9 chương, 63 điều.

 

 

Chương I. Những quy định chung, gồm 8 điều (từ Điều 1 đến Điều 8). Chương này quy định về: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật; các nguyên tắc cơ bản và chính sách của Nhà nước đối với hoạt động đo đạc và bản đồ; các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đo đạc và bản đồ; hợp tác quốc tế và tài chính cho đo đạc và bản đồ. Tại Chương này, các nguyên tắc cơ bản và chính sách của Nhà nước đối với hoạt động đo đạc và bản đồ là những nguyên tắc và chính sách xuyên suốt trong toàn bộ nội dung của Luật.

 

 

Chương II. Hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản, gồm 12 điều (từ Điều 9 đến Điều 20). Chương này quy định về: Nội dung hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản; các mạng lưới đo đạc quốc gia (gồm: Hệ thống số liệu gốc đo đạc quốc gia, hệ tọa độ quốc gia, hệ độ cao quốc gia và hệ trọng lực quốc gia, các mạng lưới đo đạc quốc gia); hệ thống không ảnh (gồm: Dữ liệu ảnh hàng không và dữ liệu viễn thám); cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, bản đồ địa hình quốc gia; đo đạc và bản đồ về biên giới quốc gia và địa giới hành chính; chuẩn hóa địa danh.

 

 

Chương III. Hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành, gồm 08 điều (từ Điều 21 đến Điều 28). Chương này quy định về: Nội dung hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành; đo đạc và bản đồ quốc phòng; đo đạc, thành lập bản đồ địa chính; đo đạc, thành lập hải đồ; đo đạc, thành lập bản đồ công trình ngầm; thành lập bản đồ hàng không dân dụng; thành lập các loại bản đồ chuyên ngành khác; bản đồ chuyên đề, tập bản đồ chuyên đề; atlas quốc gia; khảo sát địa hình, đo đạc công trình; thành lập bản đồ hành chính.

 

 

Chương IV. Chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ, gồm 03 điểu (từ Điều 29 đến Điều 31). Chương này quy định về: Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động đo đạc và bản đồ; kiểm định thiết bị sử dụng trong hoạt động đo đạc và bản đồ; quản lý chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ.

 

 

Chương V. Công trình hạ tầng đo đạc gồm 04 điều (từ Điều 32 đến Điều 35). Chương này quy định về: Hệ thống công trình hạ tầng đo đạc; xây dựng công trình hạ tầng đo đạc; sử dụng mốc đo đạc và bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc.

 

Nội dung của Chương này chủ yếu được thu hút từ các quy định tại Nghị định số 45/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ về hoạt động đo đạc và bản đồ; các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng trong thời gian qua. Dự thảo Luật quy định rõ về hệ thống công trình hạ tầng đo đạc và việc trách nhiệm quản lý, sử dụng và bảo vệ hệ thống công trình đo đạc đó.

 

 

Chương VI. Thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ; hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia, gồm 12 điều (từ Điều 36 đến Điều 47). Chương này quy định về: Thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ (gồm: Hệ thống thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ; cơ sở dữ liệu đo đạc và bản đồ; quản lý, lưu trữ, cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ;quyền sở hữu trí tuệ đối với thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ); hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; xuất bản bản đồ.

 

So với quy định của pháp luật hiện hành, dự thảo Luật có bổ sung một mục gồm 06 điều quy định về hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia.

 

 

Chương VII. Điều kiện hoạt động đo đạc và bản đồ, gồm 07 điều (từ Điều 48 đến Điều 54). Chương này quy định về: Điều kiện của tổ chức, cá nhân hoạt động đo đạc và bản đồ; chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ; giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ; hoạt động đo đạc và bản đồ của tổ chức nước ngoài; quản lý năng lực hoạt động đo đạc và bản đồ.

 

 

Chương VIII. Quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ, gồm 06 điều (từ Điều 55 đến Điều 60). Chương này quy định về nội dung và trách nhiệm quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ bao gồm trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành có liên quan và ủy ban nhân dân các cấp; thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về đo đạc và bản đồ. 

 

Chương IX. Điều khoản thi hành, gồm 03 điều (từ Điều 61 đến Điều 63). Chương này quy định về hiệu lực thi hành và việc quy định chi tiết .

 

 

Việc xây dựng Luật Đo đạc và Bản đồ sẽ tạo hành lang pháp lý quan trọng góp phần năng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ; đồng thời tạo ra bước thay đổi mang tính đột phá toàn diện cho công tác quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ, làm cơ sở để hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ thúc đẩy sự phát triển ngành đo đạc và bản đồ; góp phần cung cấp kịp thời các sản phẩm, thông tin, dữ liệu đo đạc bản đồ đảm bảo chất lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và nâng cao dân trí.

 

 

 

 

Nguồn: CTTĐT

 


Số lượt người xem: 2904    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm