• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
6
0
4
5
2
1
Thông tin cần biết 29 Tháng Chín 2022 8:20:00 SA

Thực hiện chính quyền đô thị tại TP.HCM: Cần nhanh chóng xây dựng hệ thống dữ liệu chung của TP

(PLO)- Các đại biểu HĐND TP.HCM cho rằng để thực hiện chính quyền đô thị hiệu quả cần phải đẩy nhanh việc xây dựng nền tảng chung về dữ liệu của toàn TP.

Chiều 28-9, Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng tiếp tục chủ trì buổi giám sát về tình hình thực hiện Nghị quyết 131 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị (CQĐT) tại TP.HCM đối với Sở Nội vụ, Sở Tư pháp và Sở TT&TT TP.HCM.

 

“Trăm hoa đua nở” ứng dụng công nghệ thông tin

Tại buổi giám sát, đại biểu (ĐB) Lê Minh Đức cho biết mỗi quận, huyện tại TP.HCM đều có một hệ thống công nghệ thông tin, phần mềm riêng. Điều này thể hiện tính chủ động của quận, huyện nhưng cũng nảy sinh vấn đề khi kết nối và tích hợp lên hệ thống chung của TP.HCM.

Thực hiện chính quyền đô thị tại TP.HCM: Cần nhanh chóng xây dựng hệ thống dữ liệu chung của TP ảnh 1

Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng chủ trì buổi giám sát về việc thực hiện Nghị quyết 131 tại TP.HCM với các sở, ngành. Ảnh: THANH TUYỀN

“Chúng ta làm cái mới nhưng cũng không thể lãng phí cái cũ” - ĐB Đức nhấn mạnh và cho rằng rất cần thiết phải liên thông, kết nối dữ liệu các quận, huyện về cùng một nguồn dữ liệu chung của TP.

Cùng ý kiến, ĐB Lê Trương Hải Hiếu, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM, cho rằng cần nghiên cứu đẩy nhanh việc xây dựng một nền tảng chung về dữ liệu cho toàn TP.

“Để Sở TN&MT khi cần xác minh nhân thân chỉ cần lên nền tảng đó thì đã có Sở Tư pháp chia sẻ dữ liệu sẵn rồi, đẩy nhanh quá trình giải quyết thủ tục cho người dân. Đồng thời phải tận dụng cơ chế CQĐT để liên thông dữ liệu, thực hiện giải quyết công việc tốt hơn, công tác cải cách hành chính có hiệu quả hơn” - ĐB Hiếu nói.

ĐB Nguyễn Đức Hiếu thì ví von việc xây dựng các ứng dụng công nghệ thông tin hiện nay là “trăm hoa đua nở”, mặc quận nào quận đó xây dựng. Ông nêu thực tế có tình trạng cấp phường vào hệ thống để giải quyết phản ánh của người dân nhưng sau đó lên hệ thống cập nhật lại thông tin đã giải quyết lại không vào được. Thông tin không cập nhật, lãnh đạo địa phương, cán bộ, công chức bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ.

Thực trạng hiện nay cơ sở phải tiếp nhận và xử lý các phản ánh, kiến nghị của người dân qua rất nhiều kênh, như cổng dịch vụ công quốc gia, cổng 1022. Trong năm 2021, cao điểm dịch, người dân sử dụng các kênh này để gửi gắm kiến nghị rất nhiều, số lượng lớn.

ĐB Nguyễn Đức Hiếu cho rằng đây là một trong những áp lực với đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trong giai đoạn thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị định 34 của Chính phủ.

 

“Đây cũng là lý do tác động tiêu cực đến tâm lý đội ngũ cán bộ, công chức vì áp lực xử lý phản ánh kiến nghị trên ứng dụng rất lớn, có quy định về thời gian. Nên chăng, Sở TT&TT có cách nào đó để liên thông tất cả ứng dụng này về một mối để giảm áp lực cho cán bộ, công chức ở địa phương” - ĐB Nguyễn Đức Hiếu nêu ý kiến.

Đồng thời, ông đề xuất cần có cơ chế xử lý các vấn đề phát sinh trong quy trình vận hành các ứng dụng này đối với cán bộ, công chức, tránh trường hợp ở dưới xử lý kịp thời nhưng không đăng nhập được vào phần mềm để cập nhật, bị kiểm điểm.

Phải làm sao để giải quyết công việc của dân nhanh hơn, hiệu quả hơn thì mô hình CQĐT mới mang lại hiệu quả thực sự.

TP.HCM phấn đấu tạo nguồn dữ liệu thiết yếu

Cũng tại buổi giám sát, Phó Giám đốc Sở TT&TT Võ Thị Trung Trinh cho biết TP.HCM đang phối hợp với Ngân hàng Thế giới xây dựng chiến lược dữ liệu phục vụ quản lý điều hành. Trong đó, tập trung vào việc tạo lập các nguồn dữ liệu thiết yếu, như đất đai, quy hoạch, xây dựng giao thông, an sinh xã hội, y tế, giáo dục.

Bà Trinh nhìn nhận các ứng dụng tại cấp quận, huyện đang phát huy hiệu quả, vấn đề là việc đưa về hệ thống chung của TP.HCM. TP cũng đã có quy chế về việc chia sẻ dữ liệu giữa các sở, ngành với nhau. Điểm vướng lớn nhất là việc chia sẻ dữ liệu của các hệ thống thông tin chuyên ngành.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng ghi nhận những nỗ lực của các sở trong việc thực hiện Nghị quyết 131.

Ông Dũng đề nghị các sở cần tiếp tục quan tâm, đánh giá toàn diện việc thực hiện nghị quyết, không chỉ là việc sắp xếp bộ máy, ngân sách mà còn đánh giá kỹ hơn về nội dung phân cấp, ủy quyền. Trong đó, cần đánh giá chi tiết, cụ thể để thấy được khó khăn, vướng mắc, từ đó có phương án tháo gỡ. Đồng thời tham mưu UBND TP.HCM ban hành các hướng dẫn, phân cấp ủy quyền mạnh mẽ hơn nữa để các địa phương chủ động thực hiện nhiệm vụ.

Phó Chủ tịch HĐND TP cũng nói cần phải có đánh giá toàn diện sau năm năm thực hiện mô hình CQĐT ở các quận, huyện, phường, xã để hướng đến thống nhất thực hiện CQĐT trên toàn TP. Đồng thời, ông đặc biệt nhấn mạnh việc phải làm sao để giải quyết công việc của dân nhanh hơn, hiệu quả hơn thì mô hình đó mới mang lại hiệu quả thực sự.

Nhiều đề án đô thị thông minh của TP Thủ Đức ách tắc

Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Nguyễn Kỳ Phùng cho biết việc thực hiện mô hình CQĐT nhằm mục đích phục vụ dân tốt hơn. Nhưng thực tế chỉ số PAPI (chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam) năm 2021 của TP.HCM tụt hạng nhiều.

Ông cũng nói việc phân cấp ủy quyền cho TP Thủ Đức được kỳ vọng rất nhiều nhưng thực sự cũng không có gì mới sau hơn 20 tháng thành lập.

Hiện nay, tất cả hồ sơ chậm trễ tại TP Thủ Đức tập trung ở lĩnh vực đất đai, xây dựng và môi trường. Các đề án đô thị thông minh, chuyển đổi số của TP Thủ Đức đều bị ách tắc rất lâu, do không nằm trong danh sách ưu tiên nên không bố trí được vốn.


Số lượt người xem: 794    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm