• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
7
3
7
8
6
2
Thông tin cần biết 01 Tháng Tám 2022 8:55:00 SA

Chính phủ lập tổ công tác tháo gỡ vướng mắc cho TPHCM


 

(HCM CityWeb) - Ngày 27/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo TPHCM về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 7 tháng của năm 2022 và nhiệm vụ trong thời gian tới; đồng thời khảo sát một số dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn Thành phố nhằm giải quyết các vướng mắc, thúc đẩy tiến độ các dự án này.

 

 

 

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi làm việc

 

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, thời gian qua, kinh tế TPHCM phục hồi nhanh, khá đồng bộ và tương đối toàn diện. Tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm 2022 của TPHCM tăng 3,82%, trong đó tăng trưởng quý II gấp 3 lần quý I. Các chỉ số phát triển 7 tháng đầu năm đạt nhiều kết quả tích cực, như: chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,7%, bốn ngành công nghiệp trọng yếu tăng 12,2%, tổng thu ngân sách đạt 73,2% dự toán năm và tăng 20% so với cùng kỳ… Các chương trình phục hồi, bình ổn thị trường được TP chủ động triển khai, ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ, đã khởi động nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng.

Về nhiệm vụ các tháng còn lại của năm 2022, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi khẳng định, Thành phố tập trung các giải pháp quyết tâm thực hiện đạt được 19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội từ đầu năm HĐND TP đã thông qua và sẽ cố gắng đạt được tốc độ tăng trưởng như mục tiêu là 6 - 6,5%. Nếu từ đây đến cuối năm không có biến động lớn thì khả năng GRDP của Thành phố sẽ đạt được là 7 - 7,2%”.

 

Toàn cảnh buổi làm việc của Đoàn công tác Chính phủ với TPHCM

 

Để có thể đạt mục tiêu trên, TPHCM đề ra các giải pháp như: rà soát tổng thể, bổ sung giải pháp nâng cao chất lượng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp, chuẩn bị nguồn lực tạo đà thúc đẩy phát triển TP trong giai đoạn tới; tiếp tục tháo gỡ vướng mắc về thủ tục đồng thời với tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công. Thành phố cũng sẽ tập trung nguồn lực triển khai các dự án phát triển hạ tầng giao thông đô thị như: Dự án đường Vành đai 3, đẩy nhanh tiến độ tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên, dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài, các dự án chống ngập,…

Chủ tịch UBND TPHCM cũng kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ một số vấn đề liên quan đến vướng mắc về cơ chế chính sách và của TPHCM. Cụ thể, về dự án Vành đai 3, hiện đang triển khai thuận lợi, nhưng để đẩy nhanh tiến độ thì Chính phủ cần sớm ban hành nghị quyết để triển khai ngay trong tháng 7/2022… Với đường Vành đai 4 đi qua 5 địa phương, dài 199km, Thành phố kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải và các địa phương tiến hành công tác chuẩn bị đầu tư.

Chủ tịch UBND TPHCM cũng kiến nghị các vấn đề về đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, nhất là những dự án có đất công xen cài; công tác quản lý quỹ nhà đất, thí điểm bán đấu giá, cho thuê tài sản công,…Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị Chính phủ bổ sung nguồn vốn đầu tư công để sớm đưa 3 bệnh viện cửa ngõ của Thành phố đi vào hoạt động là: Bệnh viện Đa khoa Củ Chi, Bệnh viện Đa khoa Hóc Môn và Bệnh viện Đa khoa Thủ Đức.

Cũng tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND Thành phố cũng kiến nghị tháo gỡ các vướng mắc các dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên), số 2 (tuyến Bến Thành - Tham Lương). Trong đó có điều chỉnh thời gian thực hiện 2 dự án; bố trí đủ vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 để thực hiện dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1; đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận cho Thành phố được áp dụng tiêu chuẩn, định mức sử dụng ô tô phục vụ công tác chung.

Liên quan đến Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, UBND TP kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn cụ thể đối với các hoạt động thuê dịch vụ hạ tầng thông tin như: dịch vụ thuê hệ thống máy chủ, dịch vụ thuê điện toán đám mây... cũng như các nội dung chi phục vụ chuyển đổi số của doanh nghiệp nhằm giúp doanh nghiệp có thể áp dụng chi quỹ phục vụ nhu cầu chuyển đổi số hiệu quả.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu 

 

Phát biểu tại buổi làm việc,  Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ: “Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 của Thủ tướng Chính phủ tại Thành phố cách đây hơn 1 năm là quyết định khó khăn nhưng cần thiết và phù hợp. Từ những nỗ lực trong phòng chống dịch Covid-19 trong trong điều kiện hết sức khó khăn và Thành phố đã kiểm soát được dịch bệnh. Nhắc điều đó để rút ra bài học là khi tình huống đặt chúng ta phải hành động thì bằng mọi cách chúng ta quyết tâm nỗ lực và chúng ta đã thành công.”

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đi, đã thấy, đã chỉ đạo tháo gỡ bằng những quyết định rất quyết liệt. Thành phố thấy sự nỗ lực quyết tâm từ trung ương đến địa phương, nhất là cơ quan Chính phủ rất vất vả để tập hợp tìm giải pháp tháo gỡ. Các địa phương càng vất vả hơn khi đối diện với các dự án, các công việc cụ thể, những công việc còn vướng mắc những quy định. Vấn đề quan trọng là cách tháo gỡ, quyết tâm thực hiện cho bằng được thì sẽ thành công. Nhưng nếu gặp khó khăn, vướng mắc mà để đó sẽ không giải quyết được.

Bí Thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết, TPHCM luôn nhận thức, ý thức và trách nhiệm của mình. Lãnh đạo TP đang chỉ đạo ráo riết để tập hợp tổng kết Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 54 của Quốc hội. Với những nội dung đã nỗ lực tối đa mà nó vượt quá thẩm quyền thì báo cáo, xin ý kiến; đồng thời mong muốn Thủ tướng Chính phủ ủng hộ, xin ý kiến để Bộ Chính trị có kết luận cho Thành phố được quyền làm như thế nào để nhanh chóng gỡ bỏ những vướng mắc hạn chế sự phát triển của Thành phố; Đồng thời, sẽ xin Quốc hội cho Thành phố làm thí điểm những cơ chế, chính sách mà pháp luật không còn phù hợp hay pháp luật chưa có quy định rõ ràng. Nếu cứ chờ thì xã hội không thể chờ lâu và sẽ mất cơ hội.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với những đề xuất, kiến nghị của TPHCM. Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ lập tổ công tác tháo gỡ vướng mắc cho Thành phố do Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm tổ trưởng, thành viên là đại diện lãnh đạo các bộ ngành liên quan. Về phía TPHCM, đầu mối là Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Thành phố và các bộ, ngành xác định lộ trình, công việc theo từng quý, từng năm với tiến độ cụ thể, "đếm ngược thời gian" hoàn thành. Chính phủ và Thường trực Chính phủ có kế hoạch làm việc thường xuyên với Thành phố để rà soát, thúc đẩy, giải quyết các công việc.

 

Nguồn: HCM CityWeb

 


Số lượt người xem: 908    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm