• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
3
3
6
9
8
0
Thông tin cần biết 03 Tháng Tám 2020 8:35:00 SA

Chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế TPHCM

 

 

Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), với những bước tiến vũ bão bằng sức mạnh của đổi mới sáng tạo. Thời cơ song hành với thách thức tạo áp lực cực đại, đòi hỏi TPHCM tiếp tục có những giải pháp đột phá nhằm chuyển đổi nhanh mô hình tăng trưởng tương thích. 
 

Việc này nhằm để TPHCM tiếp tục giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước, mà Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI xác định.

Áp lực cho mục tiêu phát triển nhanh, bền vững

TPHCM chiếm 0,62% diện tích tự nhiên và khoảng 9,2% dân số cả nước nhưng đóng góp 24% tổng GDP, 27% ngân sách cho cả nước. Tuy nhiên, đầu tàu kinh tế TPHCM đang đối diện với không ít thách thức.

Bên cạnh một số tồn tại như năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tụt hậu thì nghịch lý lớn là tỷ lệ ngân sách TPHCM được giữ lại ở mức thấp. Đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách không ngừng tăng, nhưng tỷ lệ ngân sách TPHCM được giữ lại liên tục bị cắt giảm. Cụ thể, từ 33% (năm 2003) xuống còn 18% (giai đoạn 2017-2020). 

Nghịch lý trên dẫn đến hệ quả là TPHCM hiện nay đang đối diện với “nút thắt” hạ tầng và hình thành điểm nghẽn gây suy giảm động lực tăng trưởng. Bên cạnh nút thắt lớn nhất là giao thông, TPHCM cũng đối diện với áp lực quá tải bệnh viện, trường học, nhà ở và ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nguy cơ ngập nước. Những yếu tố này cùng cộng hưởng, gây thêm khó khăn, áp lực đến mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của TPHCM.

Chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế TPHCM ảnh 1
TPHCM ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông để tháo gỡ các “nút thắt” tăng trưởng. Ảnh: CAO THĂNG
 
Rõ ràng, TPHCM đã, đang và sẽ tiếp tục là “đầu tàu” của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Hiện nay, TPHCM đã được Trung ương trao quyền mạnh mẽ với cơ chế, chính sách đặc thù (theo Nghị quyết 54 của Quốc hội), tiên phong thực hiện đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh.

Dù được trao quyền và có giải pháp sáng tạo nhưng nguồn lực không được phân bổ tương xứng thì cũng khó phát huy được tốt. Thực tế này đòi hỏi chính quyền TPHCM quyết liệt hành động trên cơ sở thoát khỏi tầm nhìn hàng năm, triển khai kế hoạch trung hạn (5 năm) gắn với dài hạn nhằm đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu kinh tế.

Ngoài ra, TPHCM cần tích hợp và thực thi một chiến lược “kép” trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trên cơ sở tiếp tục tái cơ cấu kinh tế với 3 khâu đột phá (thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng); đồng thời tiếp cận nhanh chóng, hiệu quả các thành tựu của CMCN 4.0.

Tạo điều kiện để TPHCM “cất cánh”

Để thực hiện được các nhiệm vụ trên cần xây dựng lộ trình từ ngắn hạn đến trung và dài hạn. Trong đó, giai đoạn từ ngắn đến trung hạn cần hướng đến tạo điều kiện “cất cánh” kinh tế TPHCM với 3 vấn đề trọng tâm cần giải quyết.

Cụ thể, về hạ tầng cần tập trung ưu tiên giải tỏa các “nút thắt” tăng trưởng hiện tại (gồm giao thông nội thị, cao tốc nội vùng, liên vùng - cảng) và chú trọng hạ tầng công nghệ thông tin - viễn thông (ICT). Ở nhiệm vụ này, đáp ứng vốn đầu tư công cho TPHCM thời gian tới trở thành vấn đề cấp thiết.

Trong đó, TPHCM cần mạnh mẽ kiến nghị Trung ương tái điều tiết ngân sách tương xứng. Dựa trên 2 nguyên tắc phân bổ ngân sách (hiệu quả và công bằng) và nợ công quốc gia đã giảm dưới ngưỡng an toàn thì đây là đòi hỏi hợp lý.

Cũng ở giai đoạn này cần đổi mới mạnh mẽ giáo dục đào tạo, thông qua mở rộng giảng dạy kỹ năng lập trình, chương trình STEM (sự hội tụ của 4 ngành: Khoa học - Science, Công nghệ - Technology, Kỹ thuật - Engineering và Toán học - Mathematics), khoa học máy tính trong trường học và ưu tiên đào tạo, phát triển các ngành ICT, trí tuệ nhân tạo (AI).

Việc này nhằm phát triển nguồn nhân lực công nghệ số và quản trị số. Trong đó, chuyển trọng tâm giảng dạy từ yêu cầu học thuộc, nhớ nhiều sang hình thành năng lực vận dụng, thích nghi, giải quyết vấn đề và tư duy độc lập.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hợp tác hiệu quả giữa Nhà nước, doanh nghiệp (DN) và các trường đại học công nghệ, tăng cường kết nối cộng đồng khoa học người Việt Nam ở nước ngoài với TPHCM nhằm phát triển một số ngành chọn lọc, đặc biệt là công nghệ số và an ninh mạng.

Một nhiệm vụ nữa là cần thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo theo hướng xây dựng các cơ chế, chính sách cụ thể, hỗ trợ phát triển mạnh mẽ DN khởi nghiệp (startup), tập trung ưu tiên các DN trong lĩnh vực ICT. Đồng thời, khuyến khích mở rộng thị trường vốn dài hạn, các quỹ đầu tư mạo hiểm với dịch chuyển nhanh từ chính quyền điều hành sang chính quyền kiến tạo, phục vụ; từ “quản” đến “mở” sang “quản” song hành “mở” nhằm kích hoạt làn sóng startup.

Ở giai đoạn dài hạn là để TPHCM “cất cánh” bằng sự đột phá mạnh, lan tỏa nhanh, kết nối rộng, với tọa độ đột phá gồm thể chế - hạ tầng - nhân lực của nền kinh tế số, cùng với cấu trúc ngành phát triển chủ đạo: công nghiệp hỗ trợ - công nghiệp công nghệ cao - logistics - tài chính - du lịch thông minh.

Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định, TPHCM tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới. TPHCM sẽ phát triển nhanh, bền vững trên cơ sở nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động, là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo. Đồng thời đi đầu trong việc tận dụng các cơ hội của CMCN 4.0, phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn.

TS MAI CHIẾM HIẾU - Phó trưởng Khoa Kinh tế chính trị, Học viện Chính trị Khu vực II

 

Nguồn: SGGPO 


Số lượt người xem: 594    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm