• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
3
3
6
1
1
5
Tin tức sự kiện 04 Tháng Bảy 2016 7:50:00 SA

Để sản phẩm thân thiện môi trường lên ngôi

 

 




Túi nilon thân thiện với môi trường

 
 
Các sản phẩm thân thiện môi trường ngày càng đa dạng như gạch không nung, túi tự hủy… tại thị trường Việt Nam. Song các nhà sản xuất vẫn phải loay hoay tìm hướng phát triển bởi số đông người tiêu dùng chưa thay đổi thói quen.
 

 

Doanh nghiệp gặp khó

Gần như 100% chợ truyền thống sử dụng túi ni lông không thân thiện môi trường. Đó là kết quả khảo sát tình hình sử dụng túi ni lông thân thiện môi trường vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố.

 

Khảo sát tại các thành phố lớn cũng cho thấy các loại túi ni lông thân thiện môi trường chỉ xuất hiện ở một vài siêu thị chứ chưa được sử dụng phổ biến mặc dù các nhà sản xuất cũng triển khai hàng loạt chiến dịch quảng cáo, truyền thông rầm rộ về lợi ích của các loại túi này. Phía người tiêu dùng phản ánh do hiện nay các loại túi ny-lon thân thiện môi trường đều phải mua thay vì được phát miễn phí như túi ny-lon thông thường nên người tiêu dùng vẫn lựa chọn.

 

Hệ lụy tất yếu là nhiều doanh nghiệp sản xuất túi ny-lon thân thiện với môi trường gần như bị “chết yểu” tại thị trường nội địa. Công ty Alta Tân Bình dù đã cải tiến công nghệ, giảm giá thành bao bì tự hủy chỉ còn cao hơn 5-10% so với bao bì thông thường, nhưng thị trường của doanh nghiệp này chủ yếu vẫn là xuất khẩu, còn tỉ lệ tiêu thụ tại thị trường Việt Nam vẫn còn thấp.

 

Thực trạng này cho thấy người tiêu dùng trong nước, bao gồm cả tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp, chưa ưu tiên sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường. Lý giải vấn đề này, TS Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng nguyên nhân người tiêu dùng còn thờ ơ với các loại túi ny-lon thân thiện môi trường là do công tác đánh thuế sử dụng túi ni lông không thân thiện môi trường chưa được thực hiện hiệu quả. Trên thực tế, việc đánh thuế các cơ sở sản xuất đã được thực hiện từ năm 2012 với mức thu thuế 40.000 đồng/kg túi ni lông, tương đương với giá bán hiện tại. Thế nhưng hiện có rất nhiều cơ sở sản xuất nhỏ cố tình không nộp thuế, thậm chí họ tìm nhiều cách để trốn tránh nộp thuế.

 

Tương tự, đối với sản phẩm gạch không nung, mặc dù Bộ Xây dựng đã có thông tư quy định việc sử dụng vật liệu xây dựng không nung cách đây 3- 4 năm, tuy nhiên đến nay, mặt hàng này vẫn chưa thực sự tìm được chỗ đứng ở thị trường trong nước.

 

Ông Lê Hoài An, Giám đốc Công ty gạch Khang Minh, một trong những doanh nghiệp sản xuất gạch không nung xi măng cốt liệu (gạch Block) lớn nhất hiện nay cho biết, công ty phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong thay đổi nhận thức và thói quen tiêu dùng hàng trăm năm nay của người Việt. Công ty đã đẩy mạnh quảng bá sản phẩm với các công ty tư vấn thiết kế, các kiến trúc sư để họ đưa vật liệu xây dựng không nung vào các công trình ngay từ đầu, đồng thời, hướng tới thị trường xây dựng nhỏ lẻ là xây dựng nhà ở trong dân nhưng cũng khó tiêu thụ...

 

Loại bỏ rào cản

Năm 2009, Mạng lưới mua hàng xanh Việt Nam (VNGPN) đã được thành lập do Trung tâm Năng suất Việt Nam (VPC) chủ trì thực hiện. Đây được xem như giải pháp thông minh để tìm lối đi cho các sản phẩm thân thiện môi trường tại Việt Nam.

 

VNGPN đã trở thành cầu nối với Mạng lưới mua hàng xanh quốc tế (IGPN) cũng như các mạng lưới mua hàng xanh của các nước trong khu vực và trên thế giới. VNGPN giúp các doanh nghiệp và người tiêu dùng truy cập và cập nhật thông tin về cơ sở dữ liệu sản phẩm sinh thái, qui định về mua hàng xanh, mua sắm công xanh của các nước trong khu vực nhằm hỗ trợ nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp tiếp cận với các yêu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng.

 

 VNGPN còn chia sẻ kinh nghiệm giữa các doanh nghiệp trong việc làm thế nào để thỏa mãn yêu cầu của khách hàng cũng như quảng bá sản phẩm thân thiện với môi trường, thúc đẩy phát triển sản xuất, mở rộng cơ hội giao thương cũng như hướng các doanh nghiệp tập trung vào việc ứng dụng tiến bộ về khoa học kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh, tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường, đồng thời nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong việc lựa chọn mua các sản phẩm thân thiện với môi trường.

 

Với sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật từ Quỹ Môi trường toàn cầu Nhật Bản (JFEG) và IGPN, VNGPN đã thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo, các sự kiện quảng bá trong nước để nâng cao nhận thức của cộng đồng và người tiêu dùng về sản phẩm xanh và mua hàng xanh. Nhằm tiếp tục thúc đẩy hoạt động mua hàng xanh ở Việt Nam.

 

Chính phủ cũng thể hiện sự “ưu ái”, khuyến khích và tạo thời cơ cho các doanh nghiệp tiêu thụ các sản phẩm thân thiện môi trường ở thị trường nội địa khi ràng buộc trách nhiệm ủa người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước có trách nhiệm phải ưu tiên mua sắm công sản phẩm thân thiện với môi trường khi mua sắm loại sản phẩm đó thông qua việc ban hành Nghị định số 19 hướng dẫn chi tiết thi hành Luật bảo vệ môi trường năm 2014.

 

Trong xu thế khu vực hóa, toàn cầu hóa về kinh tế, các doanh nghiệp trong nước cần phải có kế hoạch, chiến lược cụ thể đối với sản phẩm xanh thân thiện môi trường. Vì họ sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh và mất thị phần không chỉ trên thị trường quốc tế mà còn trên thị trường trong nước, nếu không bắt kịp sự thay đổi để đáp ứng các yêu cầu của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế nhập khẩu và yêu cầu của thị trường về sản phẩm thân thiện đối với môi trường. Kế hoạch đó nên bắt đầu từ việc truyền thông nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, người tiêu dùng và người dân nhằm định hướng sự lựa chọn mua sản phẩm đã được gắn Nhãn xanh Việt Nam, sản phẩm thân thiện với môi trường để tìm được chỗ đứng cho các sản phẩm của mình trên thị trường. 


 

 

 

Nguồn: Website Bộ TN&MT.


Số lượt người xem: 3817    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm