• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
3
3
0
8
7
0
Tin tức sự kiện 12 Tháng Tám 2013 11:25:00 SA

Cần hoàn thiện chính sách về bảo vệ môi trường

Từ năm 2010 đến nay, trên toàn quốc đã phát hiện và xử lý gần 25.000 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, trong đó khởi tố trên 350 vụ, gần 400 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính gần 200 tỷ đồng. Đó là con số mà Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đưa ra tại Hội thảo khoa học “Chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường - Thực trạng và giải pháp” do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức mới đây.

Diễn biến phức tạp

Hội thảo đã tập trung đánh giá những mặt hạn chế và nguyên nhân của những tồn tại trong việc thực thi chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT). Mặc dù pháp luật hiện hành đã có nhiều quy định về BVMT trong hoạt động sản xuất công nghiệp cũng như chế tài cụ thể đối với hành vi vi phạm nhưng trên thực tế, ô nhiễm môi trường vẫn rất nghiêm trọng, diễn ra trên diện rộng và tại hầu hết các loại hình sản xuất. Theo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng cơ bản và môi trường đô thị, có khoảng 60% lượng nước thải hàng ngày từ các khu, cụm công nghiệp được xả thẳng ra nguồn tiếp nhận không qua xử lý đã gây ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt tại các lưu vực sông như sông Đồng Nai, sông Cầu, sông Nhuệ, sông Đáy. Khoảng 70% các DN trong các khu công nghiệp không có hệ thống BVMT, xử lý nước thải hoàn hảo. 100% làng nghề vi phạm quy định về BVMT như không xây dựng các hệ thống xử lý chất thải, các loại khí thải, chất thải rắn, nước thải đều được xả trực tiếp ra môi trường... Nước thải tại các làng nghề đang là vấn đề hết sức bức xúc, gây ô nhiễm cho nhiều dòng sông lớn, kết quả phân tích chất lượng nước thải tại các làng nghề tái chế kim loại đều cho thấy kết quả vượt quá tiêu chuẩn quy định nhiều lần, gây ảnh hưởng trầm trọng đến môi trường và sức khỏe người dân. Trong lĩnh vực quản lý và khai thác lâm sản, khoáng sản, động vật hoang dã cũng phát hiện hơn 6.000 vụ vi phạm. Ngoài ra, việc quản lý chất thải tại khu dân cư cũng là vấn đề gây bức xúc hiện nay. Cụ thể như việc đầu tư trang bị vệ sinh môi trường như thùng chứa rác tại các điểm công cộng, khu dân cư còn hạn chế đặc biệt là các vùng nông thôn nên hiện tượng xả rác bừa bãi, mất vệ sinh công cộng khá phổ biến làm tăng chi phí thu gom, xử lý, phân loại…

Khói thải từ một nhà máy tại quận Bình Tân. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN

Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước khi đầu tư xây dựng các dự án mới chỉ chú trọng tới lợi nhuận mà bỏ qua một số điều kiện về công tác BVMT, như không đánh giá tác động môi trường, không chú trọng việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Ô nhiễm môi trường không khí ở khu vực đô thị cũng ngày càng gia tăng, chủ yếu từ phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng và chất thải sinh hoạt. Đại tá Nguyễn Sỹ, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường cũng cho biết, số vụ vi phạm về quản lý động vật hoang dã quý hiếm hàng năm đã được phát hiện và xử lý chưa đạt 50% so với thực tế đã và đang xảy ra. Ngoài ra tình trạng vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, xuất nhập khẩu và quản lý chất thải nguy hại, vi phạm tại các làng nghề cũng có nhiều diễn biến phức tạp.

Theo đánh giá của các chuyên gia, thực trạng trên là hệ quả của những quy định pháp luật về BVMT còn chồng chéo, phân tán và thiếu tính khả thi. Hơn nữa, việc phát huy vai trò của cộng đồng chưa được thể hiện trong Luật BVMT năm 2005 cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc thực thi pháp luật về BVMT thiếu hiệu quả.

 

        Đề xuất 9 giải pháp

Về việc này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Bùi Cách Tuyến cho biết, từ năm 2005 đến 2013 được coi là giai đoạn thành công trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về BVMT. Cơ bản, hiện hệ thống chính sách pháp luật về BVMT tương đối đầy đủ và đồng bộ, có những quy định cụ thể và chi tiết đối với từng ngành, từng lĩnh vực; tạo hành lang pháp lý cần thiết cho công tác quản lý nhà nước về BVMT trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thúc đẩy hội nhập kinh tế và quốc tế. Tuy nhiên, qua 8 năm triển khai trong thực tế, một số văn bản hướng dẫn thi hành Luật BVMT 2005 đã bộc lộ một số bất cập, chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đòi hỏi phải sớm có những điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Nhằm góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật về BVMT, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất 9 giải pháp nhằm góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật lĩnh vực này. Cụ thể: Phải lập quy hoạch môi trường làm căn cứ để lồng ghép các nội dung BVMT trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn giảm thiểu các tác động xấu tới môi trường; Đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường; Cam kết BVMT và kế hoạch BVMT đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát sinh chất thải sản xuất; Tăng cường bảo vệ các thành phần môi trường gồm BVMT nước, đất và không khí; Tăng cường BVMT làng nghề cụ thể về trách nhiệm của các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tại các làng nghề và nâng cao trách nhiệm của UBND cấp xã, huyện, tỉnh đối với BVMT làng nghề; Tăng cường quản lý chất thải; Nâng cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước về BVMT; Xác định quyền hạn và nghĩa vụ của các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp và cộng đồng dân cư; Chú trọng nguồn lực cho BVMT.

Thứ trưởng Bộ TN-MT Bùi Cách Tuyến cho biết, Quốc hội đã lập kế hoạch xây dựng Luật BVMT sửa đổi nhằm từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý về BVMT, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong giai đoạn mới. “Với những giải pháp trên, hy vọng Luật BVMT sửa đổi sẽ là công cụ pháp lý quan trọng nhằm bảo đảm, giữ gìn, BVMT phục vụ cho phát triển bền vững, đảm bảo yêu cầu được sống trong môi trường trong lành của người dân” - Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến nói.

HÀ PHƯƠNG


 


Số lượt người xem: 10394    
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm