• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
3
3
7
9
6
4
Tin tức sự kiện 25 Tháng Tư 2013 8:00:00 SA

Ứng phó với biến đổi khí hậu trong thế khó

Theo kịch bản về biến đổi khí hậu do Bộ TN-MT công bố, nếu mực nước biển dâng 1m, 39% diện tích ĐBSCL bị ngập và 35% dân số bị tác động. Đặc biệt, ĐBSCL là một trong 3 đồng bằng dễ tổn thương nhất trên trái đất do biến đổi khí hậu. Thời tiết ở ĐBSCL ngày càng cực đoan, nước biển dâng, mưa lũ bất thường, xa dần với những quy luật trước đây. Biến đổi khí hậu không còn ở thì tương lai mà đã và đang diễn ra ngày càng phức tạp.

  • Mặn xâm nhập

Hàng ngàn hộ dân ở các xã Vĩnh Thành, Phú Sơn, Vĩnh Hòa, Hưng Khánh Trung (Chợ Lách, Bến Tre) mấy năm qua phải đương đầu với tình trạng xâm nhập mặn suốt từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 5. Đang loay hoay gia cố lại con đập tạm ngăn mặn xâm nhập vào các con mương vườn, bảo vệ cho gần 1ha đất trồng chôm chôm, măng cụt và cây giống của mình, lão nông Trần Văn Năm ở xã Vĩnh Thành nói: “Gia đình tôi có 3 - 4 đời ở xứ này, chưa hề biết nước mặn là gì. Vậy mà cỡ 5 năm nay, nước mặn bò lên ngày một nặng hơn, trời nắng gay gắt hơn, sâu bệnh nhiều hơn”.

Ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách, nhìn nhận: Biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, dị thường đã thể hiện rõ rệt. Vương quốc trái cây đặc sản, hoa kiểng, cây giống Chợ Lách Bến Tre nổi tiếng gần xa, mấy trăm năm qua nước ngọt quanh năm nhưng giờ đã bị nhiễm mặn 1/2 diện tích với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Trong tương lai, cả huyện Chợ Lách bị mặn bủa vây là không thể tránh khỏi.

Lúa chết do bị nhiễm mặn ở Bình Đại (Bến Tre). Ảnh: BÌNH ĐẠI

Tại Hậu Giang, trong 5 năm trở lại đây, sinh hoạt của hàng ngàn người dân dọc theo kinh xáng Xà No, nhất là tại TP Vị Thanh bị xáo trộn lớn do thiếu nước ngọt sinh hoạt. Có năm, người dân lúng túng vì bị nước mặn “tấn công” phải bấm bụng mua nước ngọt xài. Tỉnh phải xây dựng nhà máy cung cấp nước ngọt mà nguồn dẫn nước phải lấy cách xa hàng chục cây số. Trước đây, chuyện mặn xâm nhập, thiếu nước ngọt chỉ xuất hiện ở các tỉnh ven biển, còn hiện tại “Hậu Giang đã vận hành hệ thống 11 cống ngăn mặn thuộc tuyến kênh Ô Môn - Xà No để điều tiết nước theo quy trình nghiêm ngặt bảo vệ diện tích lúa và cây trồng của tỉnh, chống bị nhiễm mặn”, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết.

Trước đó, để bảo vệ diện tích 10.000ha lúa thuộc các huyện Long Mỹ và TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang đã cho xây dựng tuyến đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh, hiện đã hoàn thành được 60% khối lượng công việc. Trước mắt, để chống mặn xâm nhập, ngành nông nghiệp chủ động xuất ngân sách từ nguồn thủy lợi phí trên 1 tỷ đồng để xây dựng các đập thời vụ. Về nguồn nước sinh hoạt phục vụ cho cả tỉnh Hậu Giang, hiện địa phương đã vận hành trạm bơm nước ngọt dự trữ từ kênh Tám Ngàn thuộc huyện Châu Thành A dẫn về nhà máy nước tại Vị Thanh để xử lý.

  • Sạt lở liên miên

Tại khắp các địa phương ở ĐBSCL, tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về tài sản, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sản xuất của người dân. Hàng ngàn hộ dân sau nhiều lần chạy lở đã không còn đất, trở nên nghèo khó. Điển hình nhất là các địa phương đầu nguồn lũ. Trên địa bàn tỉnh An Giang hiện có 45 đoạn trên sông Tiền, sông Hậu và sông Vàm Nao bị sạt lở. Trong số này có 14 đoạn sông với mức độ sạt lở rất nguy hiểm. Đáng lo ngại nhiều điểm sạt lở với quy mô ngày càng lớn, dài hơn 100m và lấn sâu vào bờ trên 50m. Đặc biệt, theo Giám đốc Sở Xây dựng An Giang Trần Trung Nghĩa, sau trận lũ năm 2011, An Giang phát sinh thêm hơn 5.000 hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở nghiêm trọng, cần được đầu tư xây dựng thêm 19 cụm tuyến dân cư để di dời nhưng An Giang hiện không có kinh phí cũng như quỹ đất để bố trí.

Tại Đồng Tháp có hơn 100 điểm sạt lở ở 17 xã, phường, thị trấn với chiều dài gần 17km. Toàn bộ các điểm sạt lở trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp hiện có trên 5.000 hộ dân cần sắp xếp di dời để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, địa phương đang gặp khó khăn lớn vì không có kinh phí…

Trong khi đó, nước biển dâng, triều cường lớn, bất thường gây xói lở nghiêm trọng hệ thống đê biển các địa phương ven biển ĐBSCL, de dọa sự an toàn tính mạng của người dân cùng các vùng sản xuất bên trong. Báo cáo của UBND tỉnh Bến Tre cho thấy, tình hình xói lở đất bờ biển đang diễn ra nghiêm trọng với tổng diện tích đất bờ biển bị cuốn trôi gần 80ha. Các địa phương đang là điểm nóng xói lở gồm các xã Thạnh Hải (huyện Thạnh Phú), Thới Thuận, Thừa Đức (Bình Đại) và nhiều cồn trên 2 huyện này với tốc độ trung bình 25m/năm, gây mất đất, mất rừng và thiệt hại các công trình hạ tầng cơ sở…

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Khang cho biết: “Lo ngại nhất là tình trạng sạt lở đê biển Gò Công”. Bờ biển Gò Công từ cửa Soài Rạp đến cửa Tiểu (Tiền Giang) là một trong những điểm nóng về xói lở. Rừng phòng hộ phía trước tuyến đê biển Gò Công ngày càng mỏng, chỉ còn từ 30 - 300m; thống kê sơ bộ có hơn 2.000ha rừng phòng hộ bị xâm thực, tàn phá. Tại vị trí đê xung yếu thuộc 2 xã Tân Thành và Tân Điền, rừng đã hoàn toàn bị xóa sổ, khiến trên 3km đê biển trong vùng suy yếu, đe dọa sự an toàn cho vùng canh tác lớn vùng ngọt hóa Gò Công 40.000ha và dân sinh (330.000 dân sinh sống bên trong đê).

Tại Cà Mau, đê biển Tây liên tục bị nước biển tàn phá. Nguy hiểm nhất là gần 100km tuyến đê biển Tây đi qua địa bàn 3 huyện Phú Tân, Trần Văn Thời và U Minh tại tỉnh Cà Mau có nhiều điểm đang bị sạt lở nghiêm trọng. Mấy ngày qua, do gió lớn cùng với nước biển dâng cao đã làm sạt lở đê biển Tây đoạn từ cống Lung Ranh - Rạch Dinh, thuộc xã Khánh Tiến, huyện U Minh (khoảng 500 - 600m kè bản nhựa), nguy cơ vỡ đê rất cao.

 
 

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, biến đổi khí hậu không còn là kịch bản hay dự báo trong tương lai mà đã tác động rõ nét, sâu sắc đến Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng. Trong khi đó, các địa phương ở ĐBSCL đang ráo riết thực hiện nhiều biện pháp chống chọi biến đổi khí hậu nhưng các giải pháp phần lớn chỉ mang tính chất “chữa cháy”, tình thế, nhỏ lẻ, tự phát…

 
 

BÌNH ĐẠI - CAO PHONG


Số lượt người xem: 4659    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm