• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
3
3
0
3
3
6
Tin tức sự kiện 23 Tháng Tư 2013 7:40:00 SA

Trong ngày làm việc cuối của Phiên họp thứ 17 (17/4), dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên cơ sở kết quả tổng hợp lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật có tầm quan trọng đặc biệt này.
Theo Báo cáo của Chính phủ, qua tổng hợp báo cáo ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương, các tổ chức và cá nhân, đến nay có 6,9 triệu lượt ý kiến góp ý. Cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu tiếp thu hoàn thiện.
Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến nhân dân có 14 chương, 208 điều.
Đa số ý kiến góp ý về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tán thành với việc tiếp tục quy định chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai. Một số ý kiến đề nghị thực hiện chế độ đa sở hữu đối với đất đai; có ý kiến đề nghị thực hiện sở hữu tư nhân đối với đất ở.
Có ý kiến đề nghị Chương II cần thiết kế lại và đổi tên thành chương chủ sở hữu về đất đai và nhiệm vụ của đại diện chủ sở hữu nhằm khẳng định đúng vị trí pháp lý của Nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý đất đai theo sự ủy nhiệm của toàn dân.
Tiếp thu những ý kiến trên, trong Dự kiến tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị chỉnh sửa lại tên Chương II trong dự thảo thành “Quyền và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với đất đai.”
Một số ý kiến đề nghị quy định rõ các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, trong đó bao gồm cả các dự án phát triển kinh tế, xã hội quan trọng và bồi thường thỏa đáng cho người có đất khi Nhà nước thu hồi; những dự án phát triển kinh tế, xã hội khác phải thỏa thuận với người dân.
Tiếp thu những ý kiến này, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc thu hồi đất để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư. Các dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới; xây dựng các công trình để chỉnh trang đô thị, chỉnh trang khu dân cư nông thôn; cụm công nghiệp thì trao thẩm quyền thuộc Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Các dự án tái định cư, nhà ở cho sinh viên, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ; các dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) thì Nhà nước phải thực hiện.
Về những góp ý liên quan đến trường hợp chủ đầu tư không thỏa thuận được với toàn bộ những người sử dụng đất để thực hiện dự án, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp thu theo hướng áp dụng cơ chế tư vấn giá đất độc lập để xác định giá đất. Đối với trường hợp còn lại, cần có sự tham gia của chính quyền địa phương để giải quyết trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân có đất, nhà đầu tư và việc thực hiện quy hoạch.
Ghi nhận những kiến nghị việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo dân chủ, công khai, khách quan, công bằng, kịp thời và đúng pháp luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề xuất dự thảo xây dựng theo hướng phân biệt rõ khái niệm bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Bồi thường là bù đắp những thiệt hại cho người có đất khi Nhà nước thu hồi do việc thu hồi đất gây ra như thiếu đất sản xuất, nhà ở, sản xuất bị gián đoạn, lợi nhuận bị giảm sút, cuộc sống, sinh hoạt bị ảnh hưởng…
Việc bồi thường có thể bằng đất, bằng tiền. Hỗ trợ không phải là để bù đắp phần bồi thường chưa thỏa đáng mà phải xác định là để người có đất khi Nhà nước thu hồi có cuộc sống tốt hơn, phát triển sản xuất bền vững. Tái định cư được thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm khi thu hồi đất có nhà ở thì phải tái định cư cho người có đất khi Nhà nước thu hồi. Nếu tiền bồi thường không đủ mua suất tái định cư tối thiểu sẽ được Nhà nước hỗ trợ đủ để mua suất tái định cư tối thiểu.
Trong buổi thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, công tác tổ chức lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được làm rất kỹ và thận trọng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Ban soạn thảo làm rõ hơn nữa một số vấn đề liên quan đến chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; quy định chặt chẽ hơn quyền và lợi ích cũng như nghĩa vụ của chủ sở hữu về đất đai; vai trò đại diện chủ sở hữu và quản lý về đất đai của Nhà nước; quy định cụ thể quyền sử dụng đất.
Cho rằng tồn tại lớn trong lĩnh vực liên quan đến đất đai là khâu quản lý Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị dự thảo Luật cần thể hiện rõ quyền của toàn dân với vai trò chủ sở hữu về đất đai.
Góp ý về những vấn đề liên quan đến thu hồi đất, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Ban soạn thảo cần quy định cụ thể loại công trình thu hồi đất liên quan đến mục đích quốc phòng-an ninh; những công trình phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; những công trình dự án kinh tế xã hội. Cụ thể hóa những loại đất nào mà Nhà nước không thu hồi, nhất là những loại đất gắn với tài sản trên đất.
Cho rằng dự thảo Luật chưa giải quyết một cách thấu đáo những vấn đề bức xúc hiện nay liên quan đến lĩnh vực đất đai, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định quyền và nghĩa vụ của Nhà nước và quyền của người sử dụng đất gắn với việc định đoạt đất đai.
Trong công tác bồi thường, tái định cư, thu hồi đất phải đi liền với hỗ trợ, chuyển đổi nghề nghiệp sao cho phù hợp với thực tế vì hiện có rất nhiều nơi mở trường dạy nghề nhưng ko có người theo học, ông Hiển nói.
Đối với các trường hợp chậm đưa đất vào sử dụng, ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cho rằng cần xử lý theo hướng đánh thuế lũy tiến đối với các dự án thuộc diện này.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm, cần quy định xử lý đánh thuế lũy tiến một thời gian nhất định, nếu tiếp tục chậm đưa đất vào sử dụng cần quy định phải có biện pháp thu hồi giao cho các doanh nghiệp khác.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng cần phải quy định công chứng, chứng thực các hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện lập luận, trong bối cảnh trên 70% khiếu kiện của người dân liên quan đến đất đai, trong đó nổi lên các khiếu kiện về các hợp đồng giao dịch viết tay không có công chứng, chứng thực. Việc công chứng, chứng thực vừa thể hiện sự tự nguyện trong giao dịch giữa các bên, vừa thể hiện việc chứng thực của cơ quan quản lý đối với các giao dịch hợp pháp, làm cơ sở khi giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện.
Về thẩm quyền giải quyết các tranh chấp đất đai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, tranh chấp đất đai mà một trong các bên tranh chấp chưa có Giấy Chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất thì cơ quan hành chính giải quyết, các trường hợp còn lại thì tòa án giải quyết như quy định của dự thảo Luật.
Quang Vũ

 

Thường vụ Quốc hội góp ý về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

 

Số lượt người xem: 4407    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm