• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
3
3
7
9
0
3
Tin tức sự kiện 02 Tháng Bảy 2012 2:15:00 CH

Giám sát môi trường: Đừng quên quyền người dân

Một dự án muốn được cấp phép đầu tư xây dựng, điều kiện đầu tiên là phải được thông qua đánh giá tác động môi trường. Trong hồ sơ đánh giá tác động môi trường có nhiều nội dung nhưng có một nội dung rất quan trọng là phải được ý kiến chấp thuận của cộng đồng dân cư sống quanh khu vực dự án đầu tư. Đây là một trong những điều kiện thể hiện quyền giám sát hoạt động bảo vệ môi trường của người dân đối với chủ đầu tư (CĐT) trước, trong và sau khi đi vào hoạt động. Điều đáng nói là không mấy CĐT tuân thủ quy định này và vẫn còn nhiều địa phương làm ngơ cho chủ đầu tư.

Tại nhiều cuộc họp, các địa phương phải thừa nhận rằng không cơ quan chức năng nào có thể giám sát tốt công tác bảo vệ môi trường cũng không ai có thể hiểu đặc thù của từng khu vực - nơi có các dự án đã, đang và sẽ đầu tư - bằng chính người dân cư ngụ trên địa bàn.

Nhưng thay vì các cơ quan chức năng phải tôn trọng, ghi nhận ý kiến người dân, buộc các CĐT phải tuân thủ tuyệt đối yêu cầu lấy ý kiến này thì vẫn còn nhiều dự án “lọt khe”. Để rồi khi đi vào sản xuất, nước thải, khí thải ô nhiễm bao vây khu dân cư. Người dân bức xúc phản ánh lên chính quyền địa phương. Đến lúc đó, mọi việc mới bắt đầu được đưa ra xem xét.

Điều đáng nói là không phải trường hợp nào bị đem ra xem xét đều có thể xử lý được ngay. Đơn cử như trường hợp phường Đông Hưng Thuận, quận 12. Hơn 10 năm nay người dân đi gõ cửa khắp nơi từ chính quyền phường, quận rồi lên tới UBND TPHCM nhưng cho đến nay tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn chưa thể khắc phục. Họa chăng chỉ giảm được đôi chút là nhờ các cơ sở sản xuất giảm công suất sản xuất do bị các phương tiện truyền thông lên tiếng quá nhiều. Đây chỉ là một trong số hàng ngàn khu dân cư khác đang phải vật vã sống chung với ô nhiễm.

Đã bị “bệnh” ô nhiễm thì phải chữa bệnh. Và để có thể chữa được căn bệnh này chỉ có phương thuốc là áp “luật”. Thế nhưng, hiện nay phương thuốc “luật” lại phản ứng không đồng nhất, thậm chí trong một số trường hợp là có tác dụng chống lại nhau nên rất khó chia “liều”. Và cứ như thế nên tình trạng ô nhiễm vẫn tồn tại dai dẳng.

Phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh, quả thật là đúng. Điều này đặc biệt càng đúng hơn với căn bệnh gây ô nhiễm vốn đang lây lan trầm kha trong xã hội nói chung. Tuy nhiên, muốn phòng bệnh tốt, các cơ quan chức năng nhất thiết phải tham chiếu ý kiến của người dân sở tại trước khi cấp phép cho một dự án nào đó được đầu tư.

Gần đây nhất, khi sửa đổi Luật Sử dụng tài nguyên nước có quy định các tổ chức, cá nhân đầu tư dự án có xây dựng công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước hoặc có xả nước thải vào nguồn nước ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống của nhân dân trên địa bàn có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư trên địa bàn bị ảnh hưởng. Đồng thời, công khai thông tin về những nội dung liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước của dự án và những ảnh hưởng có thể gây ra cho cộng đồng trước khi triển khai thực hiện dự án…

Quy định này thể hiện rất rõ quyền giám sát, bảo vệ môi trường sống của người dân. Chỉ có điều, trong quá trình thực thi, cơ quan chức năng cũng như các CĐT “đừng quên”. Về phía người dân cần được tuyên truyền để chủ động hiểu rõ hơn quyền của mình. Từ đó xây dựng những phương thuốc phòng bệnh ô nhiễm cho chính khu vực dân cư nơi mình đang sinh sống.


Số lượt người xem: 5340    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm