• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
7
3
7
7
8
1
Chuyên đề - Giải pháp 18 Tháng Mười Hai 2012 2:45:00 CH

Công tác quản lý lực lượng thu gom rác dân lập trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

 

 


 

1. Thực trạng quản lý chất thải rắn và lực lượng thu gom rác ở TP.HCM:

1.1. Thực trạng quản lý hoạt động thu gom rác trên địa bàn TP.HCM:

1.1.1. Thực trạng công tác quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm:

    Vấn đề khó khăn chung của chính quyền cấp phường/xã trong việc quản lý lực lượng rác dân lập là thiếu nguồn nhân lực. Theo kết quả khảo sát 74 cán bộ phường xã quản lý công tác thu gom rác, có 57 cán bộ quản lý thu gom rác là người trong biên chế (chiếm 77%) và 17 người ngoài biên chế (chiếm 23%). Có đến 83,6% cán bộ quản lý rác dân lập được khảo sát làm công tác kiêm nhiệm, chỉ có 16,4% cán bộ quản lý rác dân lập là chuyên trách.

 Hơn nữa nhân sự quản lý rác dân lập thường không ổn định, việc thay đổi nhân sự làm cho công tác quản lý thường bị gián đoạn, người mới tiếp nhận phải nắm bắt lại từ đầu trong khi phải quản lý một số lượng khá lớn người thu gom rác (theo kết quả khảo sát tỷ lệ người thu gom rác do phường trực tiếp quản lý chiếm 58%), với đặc điểm khá phức tạp như: phần lớn là người nhập cư (theo số liệu khảo sát chỉ có 35,6% người thu gom rác có hộ khẩu thường trú, 30,7% là tạm trú dài hạn, 21,2% là tạm trú KT3, 4,6% chưa đăng ký tạm trú); trình độ học vấn thấp (chưa tốt nghiệp cấp 1 chiếm 29,4%, tương đương tỉ lệ đã tốt nghiệp cấp 1 là 37,3%, tốt nghiệp cấp 2 là 24,8%, và cấp 3 là 7,8%); chỗ ở không ổn định (56,5% ở nhà thuê), vì vậy chủ yếu phải liên lạc bằng điện thoại di động, khi cần liên hệ rất khó khăn (khi cần liên hệ gấp thì máy bị tắt, nhiều khi thay đổi số điện thoại nên bị mất luôn liên lạc…).

 Theo kết quả khảo sát, có 26/74 ý kiến trả lời phường xã trực tiếp ký hợp đồng với chủ nguồn thải (chiếm 35,1%), 42 phường xã giao cho người thu gom trực tiếp ký hợp đồng (chiếm 56,8%), có 3 phường xã do ấp, tổ ký hợp đồng (chiếm 4,1%), 3 phường xã do cả phường xã và người thu gom ký (4,1%). Thực trạng quản lý này là kết quả của việc triển khai các quy định của Thành phố liên quan đến quản lý lực lượng thu gom rác trong những năm qua.

Như vậy có thể thấy rằng việc tồn tại song song 2 quyết định (mặc dù với hai mục đích khác nhau) đã làm cho các hình thức quản lý người thu gom rác không thống nhất trên toàn địa bàn Thành phố. Đây là một vấn đề cần lưu ý trong công tác quản lý điều hành chung của Thành phố.

 

 Ngoài ra ở hầu hết các địa bàn đều gặp khó khăn trong việc thu phí nguồn thải ngoài hộ dân, cụ thể do mức phí thu gom rác theo quy định thấp hơn mức thực tế họ đang được hưởng (nhất là ở nhóm 1), trong khi phần thu nộp cho ngân sách theo quy định lại quá cao nên rất khó triển khai.        

 Để quản lý công tác thu gom rác thuận lợi, một số phường đã tiến hành sắp xếp lại đường rác của các chủ đường rác theo từng khu phố, tổ dân phố để hạn chế tình trạng “da beo” trong hoạt động thu gom rác, tạo điều kiện cho công tác giám sát, quản lý được thuận tiện hơn (Phường Linh Đông-Quận Thủ Đức đã thực hiện khá thành công). Tuy nhiên số lượng này chưa nhiều, thường không được sự hợp tác của các chủ đường rác (đường dây rác hình thành tự phát khá lâu, phải sang nhượng qua nhiều đời chủ, việc sắp xếp lại đường dây rác sẽ đụng chạm đến vấn đề thu nhập của họ. Chủ yếu bằng biện pháp thuyết phục nên kết quả còn hạn chế). Điều kiện để thực hiện sắp xếp thành công là phải có sự quyết tâm thực hiện của chính quyền cấp quận huyện, phường xã; sự phối hợp tốt với công an phường xã và sự đồng thuận của các chủ đường rác.

Ở địa bàn các xã thuộc huyện ngoại thành, việc triển khai thu phí gặp khó khăn hơn do địa bàn dân cư rộng, còn nhiều đất trống, người dân không muốn đóng tiền đổ rác, việc thu gom rác không hiệu quả (khoảng cách di chuyển xa, số lượng thu gom hạn chế) nên thường không thực hiện lấy rác thường xuyên (cách ngày hoặc 2 ngày mới lấy rác, gây bốc mùi), người dân không muốn đóng tiền rác. Một số ý kiến người dân cho rằng họ có thể tự đổ rác, vừa không mất phí lại đảm bảo vệ sinh hơn.

Về công tác điều hành chung, theo kết quả khảo sát, có 51/73 cán bộ quản lý phường xã trả lời có tổ chức họp hàng tháng với người thu gom rác (chiếm 68,9%), có 22 người trả lời không tổ chức họp hàng tháng (29,7%). Điều này cho thấy mối liên hệ giữa UBND phường xã với người thu gom rác ở một số phường xã còn chưa chặt chẽ. Có 52/74 ý kiến trả lời phòng Tài nguyên-Môi trường có họp định kỳ với phường xã về công tác quản lý lực lượng thu gom rác (70,3%), tuy nhiên vẫn còn 21 ý kiến trả lời phòng Tài nguyên-Môi trường không họp định kỳ với phường xã (28,4%) là một vấn đề cần được lưu ý. Đặc biệt còn 10 ý kiến cho rằng quận không có kế hoạch kiểm tra định kỳ hoạt động thu gom rác (13,5%). Các con số này cũng cho thấy việc triển khai quản lý việc thu gom rác chưa thực sự được quan tâm ở một số quận huyện, phường xã.

Về thẩm quyền xử lý vi phạm, mặc dù đã có lực lượng cảnh sát môi trường (ở cấp thành phố và quận huyện), thanh tra xây dựng, trật tự đô thị (ở cấp quận huyện và phường xã) nhưng thực tế chưa thực sự phát huy hết vai trò. Theo quy định UBND phường xã có trách nhiệm giám sát, phát hiện các trường hợp vi phạm VSMT, thông báo kịp thời cho cơ quan chức năng để xử lý vi phạm…Tuy nhiên trên thực tế việc thực hiện cũng còn nhiều bất cập, hiệu quả còn nhiều hạn chế. Theo kết quả khảo sát, các biện pháp xử lý đối với các chủ nguồn thải không nộp tiền chủ yếu vẫn là vận động (31 ý kiến, 41,9%), nhắc nhở (14 ý kiến, 18,9%), biện pháp khiển trách phê bình (5 ý kiến, 6,8%), phạt (10 ý kiến, 13,5%), người thu gom rác tự xử (3 ý kiến, 4,1%), ý kiến khác (11 ý kiến, 14,9%). Có thể thấy là các biện pháp xử lý chủ nguồn thải không nộp tiền còn rất hạn chế, chưa có các biện pháp mạnh nên hiệu quả không cao.

Ý kiến về xử lý bắt phương tiện thu gom, chỉ có 8 ý kiến cho rằng có bắt phương tiện (10,8%), điều này trái ngược lại với ý kiến của người thu gom rác (phần lớn than phiền về vấn đề này), có lẽ do việc bắt phương tiện chủ yếu do cảnh sát giao thông thực hiện, cán bộ quản lý của phường không nắm bắt được thông tin. 

Do việc quản lý các đường dây rác trong một thời gian rất dài mang tính tự phát, được hiểu ngầm thuộc quyền sở hữu của các chủ đường rác nên việc tham gia điều hành quản lý của chính quyền địa phương gặp rất nhiều khó khăn, tình trạng tranh giành giữa các chủ đường dây rác vẫn thường xuyên xảy ra (Theo kết quả khảo sát định lượng, khoảng 42% ý kiến cho rằng thường xuyên xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn giữa những người thu gom rác). Điều đáng lưu ý nữa là không chỉ tranh chấp giữa lực lượng rác dân lập với nhau mà cả đối với công nhân của các Công ty dịch vụ công ích quận huyện, chính quyền cấp quận huyện, phường xã ở nhiều nơi chưa thực sự đóng vai trò trọng tài để giải quyết (63,6% ý kiến trả lời khi xảy ra tranh chấp phải tự giải quyết mâu thuẫn).  Theo ý kiến phản ánh của người thu gom rác cả ở trong và ngoài Hợp tác xã, nhiều nguồn thải của người thu gom rác bị công nhân của Công ty dịch vụ công ích lấy bằng việc cạnh tranh không bình đẳng (công ty dịch vụ công ích thu phí thấp hơn do được cân đối từ nhiều nguồn thu khác), nhất là các nguồn thải lớn như trường học, xí nghiệp…HTX, RDL đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền địa phương, Sở TN-MT để được can thiệp nhưng không được giải quyết, xã viên phải “tự xử” bằng cách thuê người hoặc tự đe dọa công nhân của Công ty công ích để lấy lại. Vấn đề này cho thấy việc quản lý hoạt động thu gom rác trên địa bàn các phường xã còn chưa thống nhất, chủ yếu tập trung vào lực lượng rác dân lập mà chưa có quy định quản lý thống nhất lực lượng thu gom rác trên địa bàn, mặc dù lực lượng công nhân của công ty dịch vụ công ích tham gia công tác thu gom rác trên các địa bàn cũng khá lớn nhưng không chỉ chính quyền phường xã mà ngay cả cấp quận huyện và thành phố cũng không can thiệp được (mặc dù công ty dịch vụ công ích do quận huyện quản lý).

1.1.2. Về công tác giám sát VSMT và thu gom rác thải, cơ chế phối hợp thực hiện:

Chức năng giám sát VSMT và thu gom rác thải mặc dù đã được quy định trong NĐ 59 là trách nhiệm của cấp phường xã, các tổ chức đoàn thể, khu phố và tổ dân phố, tuy nhiên qua khảo sát ý kiến của đại diện các Ban điều hành khu phố, tổ thu gom rác thì cơ chế phối hợp trong việc giám sát vệ sinh môi trường và hoạt động giữa chính quyền phường/xã với các Ban điều hành tổ dân phố, khu phố nhiều nơi chưa tốt, chưa thông báo các thông tin liên quan đến việc thu gom rác (hợp đồng thu gom rác) để có cơ sở giám sát, kiểm tra. Nhiều phản ánh của người  dân, Ban điều hành tổ dân phố, khu phố lên UBND phường về các vi phạm trong việc thu gom rác không được xử lý kịp thời.

Qua ý kiến của cán bộ quản lý ở các địa phương, đại diện ban điều hành khu phố, tổ dân phố thì việc kiểm tra, giám sát và xử lý các trường hợp vi phạm trong hoạt động thu gom rác còn tồn tại một số vấn đề chính sau:

- Người dân không biết trách nhiệm của người thu gom rác được quy định như thế nào mặc dù phải trả phí dịch vụ (về giờ giấc thu gom, vấn đề đảm bảo vệ sinh…) nên không có cơ sở để giám sát.

- Tình trạng bỏ không thu gom rác xảy ra phổ biến (có khi đến 3-4 ngày do xe hư, gia đình người thu gom có việc bận…) không được thông báo, không có người đi thay gây tình trạng rác ứ đọng, mất vệ sinh. Người thu gom rác chỉ thực hiện việc lấy rác, không dọn vệ sinh ở khu vực lấy rác, tình trạng rác rơi vãi ra đường do chở quá đầy gây mất vệ sinh…không có biện pháp xử lý triệt để, chủ yếu chỉ nhắc nhở.

- Mặc dù được thông báo về quy định mức thu phí nhưng do mức phí không còn phù hợp, nhiều nơi không được phổ biến đến người dân nên chủ yếu là sự thỏa thuận giữa chủ thu gom rác và chủ nguồn thải, gây nên tình trạng mức phí thu gom không thống nhất giữa các hộ dân ngay trong một địa bàn dân cư mặc dù được cung cấp một dịch vụ như nhau.

Mặc dù quy định phí vệ sinh và phí bảo vệ môi trường chung trong phí thu gom nhưng trên thực tế do phần lớn người thu gom rác tự thỏa thuận với chủ nguồn thải nên thường không đảm bảo được mức phí theo yêu cầu, nhiều chủ nguồn thải không biết các khoản thu trong phí vệ sinh mới mà chỉ thỏa thuận tổng số tiền.

-  Nhiều nơi người thu gom rác tự cho mình là độc quyền, có thái độ hách dịch lại chủ nguồn thải (đòi tiền cao hơn, không trả sẽ không được lấy rác, có tình trạng “côn đồ”, hành hung người dân khi chậm nộp tiền rác, nếu lượng rác phát sinh nhiều hơn mức thường ngày bị đòi trả thêm tiền nếu không sẽ không lấy rác…).

Những vấn đề trên do việc tuyên truyền, phổ biến các quy định về trách nhiệm và quyền lợi giữa bên cung cấp dịch vụ và bên được hưởng dịch vụ chưa được thực hiện tốt. Thiếu cơ hội chia sẻ thông tin giữa chính quyền, người dân và lực lượng thu gom rác để hiểu hơn về công việc, khó khăn và nhu cầu của nhau dẫn đến việc hợp tác và hỗ trợ còn hạn chế. Đây cũng là một vấn đề rất quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động thu gom rác.    

1.2. Tác động của các chính sách đến lực lượng thu gom rác:

1.2.1. Quyết định 88/2008/QĐ-UBND ngày 20/12/2008 về thu phí vệ sinh và phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn thông thường trên địa bàn TP.HCM:

Quyết định này quy định đối tượng nộp phí vệ sinh là hộ gia đình với các mức khác nhau (hộ gia đình ở nội thành trong hẻm là 15.000 đ/tháng, mặt tiền là 20.000 đồng/tháng; hộ gia đình ở ngoại thành trong hẻm là 10.000 đ/tháng, mặt tiền là 15.000 đ/tháng), trong đó quy định trích 10% cho chi phí đi thu.

 Đối với nguồn thải ngoài hộ gia đình (bao gồm các hộ kinh doanh, sản xuất, cơ quan hành chính sự nghiệp, trường học, cơ sở y tế...) được chia ra 3 nhóm đối tượng có mức phí quy định cho khối lượng rác thải khác nhau, cụ thể:

+ Nhóm 1 (lượng rác thải nhỏ hơn hoặc bằng 250kg/tháng), mức phí là 60.000đồng/cơ sở/tháng

+ Nhóm 2 (lượng rác thải từ trên 250kg đến 420kg), mức phí là 110.000đồng/cơ sở/tháng

+ Nhóm 3 (lượng rác thải trên 420kg) mức phí là 176.800 đồng/m3 hoặc 420.950 đồng/tấn.

Quy định này có một số bất cập như sau:

- Mức phí thu gom hộ gia đình được quy định đã khá lâu, không phù hợp với tình hình thực tế (chi phí nhiên liệu đã tăng rất nhiều lần, thiếu tiền ăn, tiền chữa bệnh, tiền để dành cho những rủi ro khác trong cuộc sống…), hơn nữa việc quy định mức phí các hộ dân trong hẻm thấp hơn hộ dân ngoài đường phố chính trong khi việc lấy rác trong hẻm khó khăn hơn (rác trong hẻm lấy cực hơn nhưng phí thu gom lại rẻ hơn nhiều, trong khi các hộ trong hẻm có nhiều rác thải sinh hoạt hơn, di chuyển trong hẻm khó khăn hơn do đường hẻm hẹp, khoảng cách xa hơn...). Trên thực tế qua kết quả khảo sát người thu gom rác đã tự thỏa thuận với chủ nguồn thải để nâng mức phí thu gom rác, cụ thể trong khu vực nội thành nhiều nơi đã tăng lên 30.000 đ/hộ/tháng, ở khu vực quận ven và ngoại thành đã nâng lên mức 20.000-25.000 đ/hộ/tháng và không phân biệt trong hẻm hay mặt tiền. Tuy nhiên theo ý kiến của người thu gom rác thì do Quyết định 88 vẫn còn hiệu lực nên ở một số nơi người dân không chịu tăng mức phí. Vấn đề này đã gây nên sự không thống nhất về mức phí thu gom ngay trong từng địa bàn và ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của người thu gom rác.

- Việc phân nhóm nguồn thải ngoài hộ gia đình khá phức tạp, khó xác định khối lượng rác thải. Mặt khác, mức phí quy định bao gồm cả phí thu gom, phí vệ sinh và phí bảo vệ môi trường, trong đó phí thu gom quy định chỉ bằng khoảng 30-40% tổng mức phí, vì vậy ở một số nơi mức phí thu gom rác theo quy định đã thấp hơn mức thu thực tế của người thu gom rác tại thời điểm ban hành quy định. Vấn đề này đã gây bức xúc rất lớn cho người thu gom rác vì tâm lý bị cắt bớt tiền để trích nộp cho ngân sách (người thu gom rác phải đứng mũi chịu sào: đi thu gom rác, đi thu tiền. Phía chính quyền không làm gì nhưng họ phải trích…% để nộp lại cho nhà nước).

- Vấn đề thu phí ở các phòng trọ còn gây nhiều bức xúc (Giá của những hộ kinh doanh phòng trọ không đóng đầy đủ, hoặc đóng đại diện một hộ, trong khi vẫn phải thu gom một lượng lớn gấp nhiều lần những hộ bình thường, có nhiều trường hợp một nhà có 4 hộ khẩu, nhưng lại đóng phí của một hộ, với những hộ như thế này thì rác sinh hoạt luôn nhiều hơn gấp nhiều lần).

- Trong Công văn hướng dẫn quyết định 88 quy định phí thu gom tại nguồn là doanh thu của đơn vị thu gom và có trách nhiệm nộp thuế theo quy định, riêng RDL lại quy định được miễn thuế. Quy định này đã không khuyến khích người thu gom rác vào hoạt động trong các tổ chức.

- Do tồn tại hai quy định khác nhau về việc sử dụng mức trích hộp 10% phí thu gom (quyết định 5424 quy định sử dụng cho công tác quản lý, quyết định 88 quy định sử dụng cho công tác đi thu phí) nên việc vận dung cũng có sự khác nhau giữa các địa bàn, dẫn đến mức được hưởng của người thu gom rác cũng khác nhau (quận Thủ Đức quy định người đi thu được hưởng 3%, huyện Củ Chi quy định trích cho người thu gom rác trực tiếp đi thu là 4%... ở một số quận huyện người thu mgom được hưởng 10%) mặc dù đều trực tiếp đi thu tiền.   

1.2.2. Quyết định 37/2009/QĐ-UBND ngày 19/5/2009 về cấm và hạn chế xe cơ giới ba bánh và xe thô sơ ba, bốn bánh lưu hành trong khu vực nội đô và trên các quốc lộ thuộc địa bàn TP.HCM:

     Đối tượng sử dụng xe cơ giới 3 bánh và xe thô sơ ba, bốn bánh tự chế (trừ trường hợp xe cho người tàn tật) thường là người nghèo và sử dụng phương tiện này chủ yếu để kiếm thu nhập như vận chuyển hàng, vật liệu xây dựng... đặc biệt một số lượng khá lớn được sử dụng trong công tác thu gom rác tại nguồn, vì vậy việc giới hạn phạm vi và thời gian hoạt động như quy định đã gây rất nhiều khó khăn cho một bộ phận khá lớn lao động là người nghèo, trong đó có lực lượng thu gom rác.

     Ban hành quyết định cấm và hạn chế lưu thông xe thô sơ ba bánh và xe cơ giới ba, bốn bánh tự chế nhưng một vấn đề rất quan trọng là điều kiện để thực thi được quyết định này chưa thực sự được chú trọng, cùng với việc ban hành quyết định cấm lưu thông các loại phương tiện này Thành phố chưa có một chính sách nào mang tính toàn diện để hỗ trợ chuyển đổi phương tiện. Cụ thể trong lĩnh vực thu gom rác, mặc dù đây là một ngành lao động mang tính đặc thù nhưng không có các hướng dẫn về mẫu mã phương tiện chuyển đổi thích hợp với điều kiện đặc thù của hoạt động này, các điều kiện kinh phí và điều kiện về tuổi tác, trình độ của người thu gom rác (là người nghèo, không có vốn để đầu tư phương tiện, việc điều khiển xe cơ giới yêu cầu phải có bằng lái...), qua khảo sát thực tế thì đây là những khó khăn rất lớn đối với người lao động thu gom rác. Vì vậy hầu như việc triển khai thực hiện còn mang tính tự phát, một số cơ sở sản xuất đã tự thiết kế, sửa lại các xe tải nhỏ (1 tấn, 550 kg) bằng cách đóng thùng xe kín để không chảy nước dơ khi chở rác để bán cho người thu gom rác. Khó khăn rất lớn của người thu gom rác là phải tự lo kinh phí đầu tư phương tiện, biện pháp hỗ trợ của các HTX chỉ là thực hiện xác nhận mức thu nhập cho xã viên để được vay tiền đầu tư xe tải (đóng trước 50%, trả góp trong vòng 2 năm, giá 165 triệu đồng cho loại xe tải 550kg). Trong quá trình hoạt động phát sinh một số khó khăn do xe tải không vào được các hẻm nhỏ, người thu gom rác phải chuyển rác từ nguồn thải ra ngoài đường bằng xe đẩy tay, sọt rác…vừa vất vả, vừa mất thời gian, hơn nữa một số tuyến đường lại cấm xe tải lưu thông, khi vi phạm bị phạt với mức rất cao (1,5 triệu đồng). Có thể thấy là việc chuyển đổi sang xe tải để chở rác mới chỉ là giải pháp tình thế, do áp lực trả lãi vay và vốn mua xe, khó khăn trong hoạt động nên xu hướng bán lại xe và chuyển sang sử dụng lại xe 3 bánh đã xảy ra ở một số nơi.

     Vì vậy mặc dù đã được ban hành hơn 3 năm rưỡi nhưng thực tế số phương tiện được chuyển đổi còn rất hạn chế. Theo kết quả khảo sát người thu gom rác dân lập thì hiện nay số người sử dụng phương tiện 3 bánh chiếm tỷ lệ còn rất lớn, cụ thể tỷ lệ số người sửa dụng thùng 660 lít để thu gom rác khoảng 5,9%, xe ba gác máy khoảng 32,9%, xe tải khoảng 38,7%, xe ba gác kéo khoảng 8,4%, phương tiện khác khoảng 14%. Chỉ có các đường rác lớn có tỷ lệ sử dụng xe tải cao (74% chủ đường rác trả lời có sử dụng xe tải để thu gom rác).  

1.2.3. Các chính sách khác:

Hiện chưa có các chính sách ASXH dành riêng cho người thu gom rác nên việc thực hiện còn rất hạn chế, cụ thể:

- Một số HTX ban đầu có đóng bảo hiểm ytế cho xã viên nhưng do nguồn thu phí quản lý không đủ chi trả (HTX chỉ được giữ lại 2% trong 10% phí quản lý) nên chỉ thực hiện hỗ trợ 1 phần hoặc hoàn toàn không hỗ trợ (xã viên tự đóng bảo hiểm tự nguyện tại nơi cư trú).

- Về bảo hiểm tai nạn, hầu hết các HTX cho rằng thủ tục giải quyết khi bị tai nạn rất phức tạp (xác nhận tình trạng tai nạn) vì vậy chỉ đóng bảo hiểm ytế.

- Về bảo hiểm xã hội: nguồn thu trong HTX hạn chế, một số xã viên do đã lớn tuổi, nhiều người làm các công việc khác ngoài việc thu gom rác, công việc không ổn định…nên không thể thực hiện đóng bảo hiểm xã hội.

     Mặc dù khuyến khích người lao động vào các tổ chức nhưng cũng chưa có chính sách hỗ trợ, cụ thể:

- Hàng năm HTX phải đóng thuế môn bài (1triệu đồng/năm). Hoạt động VSMT không được miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (hiện tại do nguồn thu không đủ bù đắp chi phí nên chưa bị thu thuế, nếu hoạt động có lãi sẽ bị thu).

- Không được hỗ trợ khi thành lập HTX thu gom rác trong khi HTX nông nghiệp được quy định hỗ trợ 30 triệu đồng.    

- Việc tiếp cận các quỹ khó khăn: quỹ CCM của liên minh HTX rất hạn chế, vay ngân hàng phải thế chấp, nếu tín chấp phải có điều kiện quản lý tập trung… 

Nói chung mặc dù đường rác là nguồn thu nhập chính của người thu gom rác, nhiều chủ đường rác đã phải bỏ khoản tiền khá lớn để sang lại đường rác, tự trang bị phương tiện, tự thỏa thuận thu phí trong khi không được hưởng sự hỗ trợ gì từ phía nhà nước trong các hoạt động.

1.3. Một số nhận định chung về thực trạng quản lý hoạt động thu gom rác sinh hoạt ở TP.HCM:

1.3.1. Mặt tích cực:

Các quy định liên quan đến quản lý lực lượng thu gom rác đã đạt được một số kết quả như:

- Nghị định 59/2007 là cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn và lực lượng thu gom rác thải.

- Quyết định 5424/QĐ-UBND mặc dù đã được ban hành 14 năm và còn một số bất cập nhưng bước đầu đã xác định được vai trò của chính quyền cấp quận huyện, phường xã trong công tác quản lý thu gom rác trên địa bàn. Ở một số quận huyện đã có sự quan tâm chỉ đạo thực hiện giúp cho công tác quản lý vệ sinh môi trường được thuận lợi hơn. Trên địa bàn đã hình thành được một số tổ chức HTX, đã góp phần giảm bớt được đầu mối hoạt động, tạo điều kiện cho công tác quản lý tốt hơn.

- Quyết định 88/2008/QĐ-UBND đã phần nào giúp cho công tác thu gom rác đi vào nề nếp, ở một số địa phương đã thực hiện thống kê nguồn thải và quản lý lực lượng rác dân lập với những mức độ khác nhau. Đặc biệt đã tạo được một phần nguồn thu hỗ trợ cho ngân sách trong công tác vệ sinh môi trường chung của TP.

- Quyết định 37/2009/QĐ-UBND đã phần nào thúc đẩy người thu gom rác chuyển đổi phương tiện, góp phần thực hiện Nghị quyết 32/2007 của Chính phủ về một số giải pháp nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.

1.3.2. Mặt hạn chế:

- Mặc dù Quyết định 5424/QĐ-UBND và Quyết định 88 là các căn cứ chính cho công tác quản lý hoạt động thu rác trên địa bàn TP.HCM nhưng Quyết định 5424 chỉ quy định đối với việc quản lý lực lượng rác dân lập, quyết định 88 chỉ quy định về việc thu phí vệ sinh, hiện chưa có văn bản nào quy định quản lý thống nhất về hoạt động thu gom rác, cơ chế phối hợp giữa lực lượng thu gom rác công lập và dân lập. Đây là một nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động thu gom rác trên các địa bàn quận huyện, phường xã hiện nay.  

- Quyết định 5424/QĐ-UBND và Quyết định 88/2008/QĐ-UBND đều giao trách nhiệm cho UBND phường xã tổ chức quản lý lực lượng rác dân lập, quản lý việc thu phí vệ sinh…trái với quy định của Nghị định 59 (theo NĐ 59 UBND phường xã chỉ có chức năng giám sát), hơn nữa không quy định nhân sự để thực hiện đã gây khó khăn rất nhiều cho công tác triển khai thực hiện. Nhân sự cho công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm không đủ để đi kiểm tra, xử phạt các trường hợp vi phạm.

- Các biện pháp xử lý còn nhẹ, chưa hiệu quả. Cơ chế phối hợp quản lý còn hạn chế (giữa UBND phường xã và ban điều hành khu phố, tổ dân phố; giữa UBND phường xã và công an; giữa UBND phường xã và các đơn vị thu gom rác…).

- Các quy định quản lý lực lượng rác dân lập chỉ mang tính hành chính, chưa có các chính sách phù hợp để khuyến khích việc thành lập và tham gia tổ chức thu gom rác. Quy định trách nhiệm của UBND phường xã trong công tác thu gom rác còn nhiều bất cập, chưa phân biệt rõ vai trò quản lý nhà nước và hoạt động cung cấp dịch vụ nên hiệu quả thực hiện chưa cao.

- Chưa thống kê được hết các chủ nguồn thải, chưa có các biện pháp hiệu quả để xử lý các hộ gia đình không đóng phí thu gom rác và đổ rác không đúng nơi qui định. Tình trạng hoạt động “da beo” trong thu gom rác vẫn còn phổ biến, khó khăn cho việc kiểm tra giám sát và xử lý vi phạm. Đa số lao động thu gom rác còn hoạt động tự do, không bị ràng buộc tổ chức, hơn nữa phần lớn là người tạm trú, quản lý nhân thân rất khó khăn.

- Chính quyền địa phương chỉ quản lý chủ đường rác, trong khi có khá nhiều chủ đường rác không trực tiếp thu gom rác nên rất khó quản lý và thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người lao động thu gom rác.

2. Đề xuất giải pháp quản lý hoạt động thu gom rác:

2.1. Về công tác tổ chức quản lý:

2.1.1. Đối với cấp phường xã:

        Cần xác định rõ trách nhiệm của UBND phường xã trong công tác quản lý thống nhất hoạt động thu gom rác trên địa bàn (đối với cả công ty dịch vụ công ích quận huyện, các đơn vị ngoài nhà nước và lực lượng thu gom rác hoạt động tự do), cụ thể như sau:

- UBND phường xã không thực hiện ký hợp đồng cung cấp dịch vụ thu gom rác với các chủ nguồn thải mà chỉ giám sát việc thực hiện Hợp đồng. Các tổ chức và cá nhân thực hiện thu gom rác phải trực tiếp ký hợp đồng cung cấp dịch vụ (đối với các cá nhân không có tư cách pháp nhân thì UBND phường xã có thể xác nhận vào hợp đồng). Quản lý lực lượng thu gom rác thông qua cam kết của các tổ chức và cá nhân thực hiện thu gom rác trên địa bàn.

- UBND phường xã quản lý việc đóng tiền thu gom rác, phí vệ sinh và phí bảo vệ môi trường thông qua đơn vị hoặc cá nhân (chưa vào tổ chức) thu gom rác (trước mắt nên tiếp tục để đơn vị thu gom rác trực tiếp thu tiền, UBND phường xã chỉ giám sát, quản lý). UBND phường xã phối hợp với tổ dân phố và lực lượng thu gom rác rà soát danh sách các hộ gia đình đã đóng tiền rác, phát hiện các hộ chưa đóng tiền, gửi thông báo yêu cầu chấp hành việc ký hợp đồng và đóng tiền rác theo qui định.

- UBND phường xã phối hợp với Khu phố, Tổ dân phố trong công tác giám sát về vệ sinh môi trường và hoạt động thu gom rác, tổ chức vận động, tuyên truyền cho người dân về ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, các hình thức xử lý vi phạm, trách nhiệm trong việc đóng góp phí vệ sinh, giám sát hoạt động VSMT và thu gom rác… phổ biến các chủ trương, chính sách và các vấn đề liên quan đến các tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn.

- Phát hiện và nhận phản ánh của người dân, thông báo cho các cơ quan chức năng để xử lý các trường hợp vi phạm. Giao cho các tổ dân phố thực hiện cơ chế giám sát: Ban điều hành tổ dân phố nắm bắt tình hình đóng tiền và thải rác của các hộ gia đình, kịp thời nhắc nhở các trường hợp không đóng tiền hoặc thải rác không đúng nơi qui định. Trường hợp vẫn tiếp tục tái phạm, tổ dân phố gửi danh sách cho UBND phường để xử lý theo pháp luật.

- UBND phường xã phải giải quyết các vấn đề tranh chấp trong việc thu gom rác của các tổ chức, cá nhân thu gom rác trên địa bàn phụ trách.

2.1.2. Đối với cấp quận huyện:

- Đảm bảo thực hiện tốt công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về VSMT, chỉ đạo phối hợp thực hiện trong công tác quản lý hoạt động thu gom rác của các phường xã trong quận huyện và giữa các quận huyện trong TP.

- Đảm bảo cơ chế phối hợp giữa Công ty công ích quận huyện và các lực lượng thu gom rác trên địa bàn trong công tác thu gom và vận chuyển rác (phối hợp trong công tác thu gom rác giữa lực lượng thu gom của công ty công ích quận huyện và các lực lượng thu gom khác trên địa bàn, phối hợp giữa công tác thu gom rác và khâu vận chuyển rác tại các bô rác, điểm trung chuyển rác…).

2.1.3. Đối với cấp Thành phố:

Quản lý thống nhất chung trong công tác VSMT trên toàn địa bàn, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các khâu thu gom, vận chuyển và xử lý rác, quản lý thống nhất hoạt động thu gom rác giữa các quận huyện trên địa bàn TP.

2.2. Về chính sách hỗ trợ lực lượng thu gom rác:

- Thành phố cần ban hành các chính sách hỗ trợ người thu gom rác trong việc chuyển đổi phương tiện và hướng dẫn chuyển đổi phương tiện thu gom phù hợp tính chất hoạt động và đảm bảo vệ sinh môi trường.

- Ban hành chính sách hỗ trợ người thu gom rác đảm bảo ASXH và tạo điều kiện thuận lợi cho người thu gom rác trong hoạt động, đặc biệt chú trọng hỗ trợ chính sách để khuyến khích người thu gom rác vào các tổ chức thu gom rác như:

+ Chính sách miễn giảm thuế cho các tổ chức hoạt động VSMT  

+ Chính sách hỗ trợ khi thành lập HTX (như quy định đối với HTX nông nghiệp)

+ Các ưu tiên, tạo thuận lợi cho HTX hoạt động (ưu tiên trong việc đổ rác vào bô rác, xe ép rác, được lưu thông trong đường cấm…) để thu hút xã viên vào HTX.

+ Cho phép HTX, các tổ chức thu gom rác được giữ lại phí quản lý để trang trải các hoạt động …

2.3. Về tổ chức lại lực lượng rác dân lập:

     Khuyến khích thành lập các tổ chức thu gom rác, giảm đầu mối thu gom. Thực hiện thí điểm Tổ hợp tác thu gom rác theo Nghị định 151:

Tổ chức lại lực lượng Rác dân lập theo mô hình Tổ hợp tác thu gom rác có ưu điểm hơn rất nhiều so với tổ rác dân lập theo quyết định 5424 do đó sẽ có tính khả thi cao hơn. Mặt khác, so với mô hình Hợp tác xã, mô hình Tổ hợp tác có các điều kiện thành lập đơn giản hơn: thủ tục thành lập đơn giản, không phải góp vốn điều lệ, tổ chức hoạt động đơn giản, qui mô nhỏ...nhưng vẫn mang tính tự chủ. Đây là cơ sở để chuyển thành Hợp tác xã khi có đủ điều kiện.

 KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

     Thực trạng hoạt động thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn TP.HCM thời gian qua cho thấy đã được xã hội hóa khá mạnh, với lực lượng thu gom rác ngoài khu vực nhà nước chiếm tỷ trọng cao và hoạt động hoàn toàn bằng nguồn đóng góp của các chủ nguồn thải. Tuy nhiên, với khá đông lực lượng thu gom rác hoạt động tự do đã phát sinh nhiều bất cập.

Chính quyền Thành phố và các cơ quan chức năng đã đề ra nhiều biện pháp quản lý lực lượng này, nhưng đến nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn đặt ra nhiều yêu cầu cần được giải quyết.

Chuyên đề đã thực hiện phân tích tình hình thực tế qua kết quả khảo sát và rút ra một số điểm còn bất cập và đề xuất một số giải pháp nhằm cải thiện công tác quản lý lực lượng thu gom rác.

Để có các giải pháp quản lý hiệu quả, cần thống nhất một số quan điểm sau:

- Cần xác định vai trò quan trọng của lực lượng thu gom rác dân lập trong hoạt động thu gom rác sinh hoạt nói riêng và công tác VSMT nói chung của Thành phố để từ đó có giải pháp quản lý hiệu quả.

- Cần có các giải pháp đồng bộ và thống nhất chung trong công tác quản lý chất thải rắn, trong đó cần thống nhất quản lý toàn bộ lực lượng thu gom rác, không chỉ đối với lực lượng ngoài công lập là cả lực lượng công lập.

 

 Phòng Quản lý chất thải rắn

            

 

 

 


Số lượt người xem: 42304    
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm